Ông Tập: Dịch COVID-19 là khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất

Sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (COVID-19) được coi là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất của đất nước Trung Quốc, báo South China Morning Post dẫn lời chủ tịch nước này Tập Cận Bình ngày 23-2.

Ngày 23-2, lãnh đạo đảng-chính phủ Trung Quốc có cuộc họp trực tuyến về công tác chống dịch COVID-19. Cuộc họp có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được kết nối với chính quyền từng tỉnh, thành và từng trung đoàn trong cả nước.

Theo các hình ảnh được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia CCTV, ngoại trừ ông Tập và sáu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tất cả thành viên còn lại được kết nối trực tuyến và đều đeo khẩu trang để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Phát biểu trong một cuộc họp, ông Tập nói COVID-19 là dịch bệnh “lây lan nhanh nhất, với số người nhiễm bệnh nhiều nhất và khó khăn nhất để công tác ngăn ngừa và kiểm soát” kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (năm 1949) tới giờ.

Tuy nhiên, ông Tập cam kết sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế để đưa Trung Quốc vượt qua khủng hoảng lần này. 

Buổi họp ngày 23-2 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì về công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: SCMP

Ông Tập nói dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng và cũng là bài kiểm tra quan trọng” mà Trung Quốc cần nhận thức đúng đắn về “những thiếu sót rõ ràng đã lộ ra” trong công tác ứng phó với dịch để nâng cao khả năng xử lý tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh những đánh giá và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “đúng đắn”, công tác phản ứng được sắp xếp “kịp thời” và biện pháp được thực hiện “hiệu quả”.

“Sự hiệu quả trong công tác kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh một lần nữa chứng tỏ tính vượt trội của sự lãnh đạo của đảng và hệ thống chính trị mang đặc sắc Trung Quốc” - ông Tập nói.

Theo người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, hai mục tiêu chiến lược hiện tại của nước này là kiểm soát dịch bệnh tại TP Vũ Hán và toàn tỉnh Hồ Bắc và phòng ngừa dịch bệnh lây lan sang thủ đô Bắc Kinh.

Ông cũng thừa nhận dịch bệnh “có tác động đáng kể đối với nền kinh tế và xã hội Trung Quốc” nhưng coi nó chỉ mang tính chất “ngắn hạn và có thể kiểm soát được”. Do đó, dịch bệnh sẽ không làm ảnh hưởng đến nền tảng phát triển kinh tế dài hạn của đất nước.

Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu chính sách tài khóa phải chủ động hơn, cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chính sách miễn giảm thuế và phí đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó tập trung điều tiết và xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, tận dụng các chính sách hỗ trợ tài chính hiện có và tiếp tục ban hành kịp thời các chính sách mới.

Ông cũng đặt yêu cầu ổn định thị trường ngoại thương và đầu tư nước ngoài, bao gồm sử dụng tốt các công cụ chính sách ngoại thương, vận hành tốt chuỗi cung ứng và đảm bảo các dự án đầu tư nước ngoài quan trọng đúng tiến độ. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay, bao gồm tạo thêm việc làm, giảm nghèo và duy trì trật tự xã hội.

Ông Tập cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người dân Trung Quốc ở Hong Kong, Ma Cau, Đài Loan và cộng đồng Hoa kiều trên thế giới đã luôn ủng hộ và hỗ trợ Bắc Kinh trong công tác phòng, chống dịch.

Các phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra khi dịch bệnh đang có chiều hướng ổn định ở Trung Quốc. Đến trước khi phiên họp diễn ra, dù cho số ca lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng, vẫn có nhiều tín hiệu khả quan trong tình hình dịch ở trong nước.

Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 22-2, 31 tỉnh, thành của Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 97 ca tử vong (96 ca ở tỉnh Hồ Bắc), 648 ca nhiễm mới và 2.230 bệnh nhân được xuất viện sau khi được điều trị thành công. Như vậy, Trung Quốc có tổng cộng 76.936 ca nhiễm và 2.442 ca tử vong, cùng với 22.888 người được chữa khỏi.

Tính đến hết ngày 23-2, toàn thế giới xác nhận gần 79.000 ca nhiễm bệnh, 2.467 trường hợp tử vong và 23.094 người được chữa khỏi. Ngoài Trung Quốc, các nước và vùng lãnh thổ có bệnh nhân tử vong là Iran (8 người), Hàn Quốc (6 người), Nhật (4 người, trong đó 3 người trên du thuyền Diamond Princess), Ý, Hong Kong (2 người), Philippines, Đài Loan và Pháp (1 người). 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm