Ông Putin: Nga đã có vũ khí hiện đại nhất bảo đảm an ninh

Vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất của Nga sẽ có khả năng bảo vệ đất nước, ngay cả khi Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ bị xé bỏ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này để trả lời câu hỏi từ Tổng giám đốc hãng thông tấn TASS Sergei Mikhailov hôm 6-6.

Tổng thống Putin nhớ lại chuyện năm 2002, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). “Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc làm rung chuyển toàn bộ khuôn khổ các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực an ninh toàn cầu, một bước đi rất nghiêm trọng” – Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

“Thưa quý vị và các bạn, tôi muốn hỏi các bạn: Có bất kỳ ai trong chúng ta tích cực phản đối hay xuống đường với những tấm áp phích không? Không, cần có sự bình tĩnh như thể đây là những gì nên làm”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Bây giờ Mỹ đã thực sự quyết định đơn phương chấm dứt sự tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Nga lưu ý.

Hơn nữa, nếu trong trường hợp với Hiệp ước ABM, họ cư xử trung thực và hoàn toàn rút khỏi hiệp ước, thì bây giờ hiển nhiên hiểu rằng họ sẽ phải gánh tránh nhiệm cho điều đó, họ đang cố gắng đẩy trách nhiệm đó cho Nga, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nhớ lại các điều khoản trong INF về cấp bố trí các bệ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên đất liền, nhấn mạnh rằng bất chấp điều này, Mỹ đã chuyển các hệ thống phóng như vậy tới Romania và dự kiến triển khai chúng ở Ba Lan.

“Đây là sự vi phạm trực tiếp Hiệp ước INF”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cũng chú ý tới những loại vũ khí khác đang được triển khai. “Tất cả đều đang giả vờ như thể họ không thấy bất cứ thứ gì, không nghe thấy gì, không thể đọc và đều là những kẻ bị điếc và mù. Nhưng chúng tôi buộc phải phản ứng với điều này theo cách nào đó”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, trong trường hợp Hiệp ước New START bị hủy bỏ vào năm 2021, thì nhìn chung sẽ không có công cụ nào hạn chế cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, cho đến giờ, không bên nào tổ chức đàm phán với Nga về việc gia hạn Hiệp ước New START, mặc dù Moscow nhiều lần khẳng định sẵn sàng cho điều đó.

“Chà, có khả năng không gia hạn nó. Chúng tôi có vũ khí hiện đại nhất sẽ đảm bảo an ninh của Nga trong viễn cảnh lịch sử khá dài. Ý tôi là chúng tôi đã có bước đi lớn hướng và có thể nói thẳng ra rằng chúng tôi đã đi nhanh hơn các đối thủ của mình trong việc chế tạo vũ khí siêu thanh” – ông Putin nhấn mạnh.

 Nga sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước New START

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-6 khẳng định Nga đã sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ, nếu đối tác liên quan không hứng thú với việc gia hạn thỏa thuận này, theo kênh Al Jazeera.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Putin nêu rõ: "Nếu không ai muốn gia hạn thỏa thuận này, New STAR, thì tốt thôi, chúng tôi sẽ không làm điều đó."

Hình ảnh mô phỏng trên máy tính tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: TASS

Ông Putin tỏ ra lấy làm tiếc rằng Mỹ đã "không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán chính thức nào" liên quan vấn đề này, dù Moscow "đã nói hàng trăm lần rằng chúng tôi sẵn sàng cho việc gia hạn." Do đó, "mọi việc sẽ kết thúc vào năm 2021."

New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011.

Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Tuy nhiên, New START sẽ hết hạn vào năm 2021, và đến nay triển vọng chính quyền Washington gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi New START là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới."

Theo Tổng thống Putin, tác động tiềm tàng của việc để mặc cho hiệp ước New START hết hiệu lực là rất lớn, trong đó bao gồm cả nguy cơ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm