Ông Putin: 20 năm quân Mỹ ở Afghanistan, 'kết quả chỉ là bi kịch và nhân mạng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét rằng sau 20 năm tham chiến tại Afghanistan, Mỹ không nhận lại được gì ngoài trừ những bi kịch và tổn thất về con người, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 1-9, phát biểu tại một diễn đàn thanh thiếu niên ở vùng Viễn Đông trong ngày bắt đầu năm học mới, ông Putin cho rằng cách tiếp cận của Mỹ tại Afghanistan đã có những thiếu sót sâu sắc.

Tổng thống Nga nhắc lại rằng lực lượng Mỹ đã hiện diện tại Afghanistan trong 20 năm “để khai hóa người dân ở đó, thiết lập các quy tắc và chuẩn mực sống của họ (tức của người Mỹ) theo nghĩa rộng nhất có thể của từ này, kể cả khi nói tới sự tổ chức chính trị trong xã hội”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Trung tâm "Đại dương" cho trẻ em toàn Nga ở TP Vladivostok hôm 1-9. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, “kết quả chỉ là các bi kịch và mất mát về sinh mạng của những người gây ra điều đó - Mỹ - và thậm chí, còn nhiều hơn thế đối với những ai sống trên lãnh thổ Afghanistan. Kết quả là con số không, nếu không phải là kết quả âm xét trên tổng thể” - ông Putin nói tiếp.

Ông Putin cũng cho rằng cần xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, triết lý sống… khi giải quyết vấn đề Afghanistan, không thể áp đặt lên người dân Afghanistan bất kỳ điều gì chỉ bằng các áp lực từ bên ngoài.

Các lực lượng Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Afghanistan trong những giây cuối cùng của ngày 30-8. Như vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuân thủ hạn chót về việc rút quân, sau khi di tản hơn 122.000 người khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, hàng chục công dân Mỹ và hàng ngàn người dân Afghanistan “dễ bị tổn thương” vẫn còn mắc kẹt ở quốc gia Nam Á này.

Ngày 31-8, ông Biden đã phát biểu về sự kết thúc kỷ nguyên của chiến dịch quân sự mang tính tái thiết lớn nhất mà Mỹ từng thực hiện. Tuy nhiên, các quyết định của Washington cũng vấp phải sự chỉ trích từ dư luận và giới chính trị Mỹ.

Đối với Nga, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan không hoàn toàn được nhìn nhận một cách tích cực. Truyền thông Nga cũng có phần thận trọng khi nói tới sự thất bại địa chính trị của Mỹ ở Afghanistan.

Ông Putin từng nói rằng Moscow đã học được bài học của riêng mình khi chính Liên Xô cũng từng cay đắng rút quân khỏi Afghanistan hồi năm 1989 và do đó, không có ý định triển khai quân tới quốc gia bất ổn này.

Giới phân tích cho rằng diễn biến này khiến Điện Kremlin phải đau đầu về vấn đề an ninh, nhất là các quan điểm Hồi giáo cực đoan, khi Afghanistan nằm rất gần biên giới phía nam của Nga và giáp với các đồng minh của Moscow, các nước từng thuộc Liên Xô. Nga đã củng cố căn cứ quân sự tại Tajikistan và tổ chức một số cuộc tập trận lớn gần Afghanistan.

Các lãnh đạo ngành an ninh Nga thể hiện rõ sự quan ngại về nguy cơ bất ổn có thể lan ra các nước Trung Á từng thuộc Liên Xô trước đây, sự xâm nhập của các phần tử cực đoan trà trộn trong dòng người tị nạn, cũng như ảnh hưởng từ các hoạt động liên quan tới ma túy ở Afghanistan. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm