Ông Morales 'sẽ đối mặt nhiều cáo buộc nếu quay về Bolivia'

Bà Jeanine Anez, người tự xưng là Tổng thống lâm thời của Bolivia, ngày 15-11 nói rằng cựu Tổng thống Evo Morales sẽ phải đối mặt với cáo buộc nếu ông trở lại Bolivia, đài Sputnik đưa tin.

"Ông ấy biết rằng ông ấy phải trả lời trước công lý. Không ai đẩy ông ấy ra ngoài, nhưng ông ấy cần phải trả lời về gian lận bầu cử, thêm vào đó là nhiều cáo buộc tham nhũng", bà Anez nói với các nhà báo, đồng thời cho biết rằng bà đang tiếp tục thảo luận để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới.

Bà Jeanine Anez, Tổng thống lâm thời tự xưng của Bolivia, ngày 15-11 nói rằng cựu tổng thống Evo Morales sẽ phải đối mặt với cáo buộc nếu ông quay trở lại Bolivia. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ông Morales, hiện đang tị nạn chính trị tại Mexico, tuyên bố rằng ông sẵn sàng về nước để mang lại hòa bình cho Bolivia "nếu nhân dân yêu cầu".

Dù vậy, bà Anez tuyên bố rằng ông Morales bị cấm tái tranh cử do hiến pháp không cho phép điều này. "Ông Morales không được phép đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ tư. Hiến pháp Bolivia quy định một tổng thống không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp", bà Anez cho biết ngày 14-11.

Thêm vào đó, chính quyền lâm thời Bolivia hiện đã trục xuất các nhà ngoại giao Venezuela và các bác sĩ Cuba, được biết là công dân hai nước đồng minh chủ chốt của cựu tổng thống Evo Morales. 

"Tất cả nhân viên ngoại giao đại diện cho Tổng thống Nicolas Maduro tại Đại sứ quán Venezuela ở Bolivia sẽ phải rời nước vì đã can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhà nước", Ngoại trưởng Bolivia Karen Longaric nói tại La Paz ngày 15-11.

Bà Longaric cho biết Cuba phải đưa về nước 725 công dân, chủ yếu là bác sĩ, sau khi bà nêu lo ngại về sự liên quan của họ với những bất ổn gần đây. "Có một số cáo buộc rằng công dân Cuba tham gia vào những hành động hung hăng, đã làm đất nước chúng ta hỗn loạn trong những ngày gần đây" - bà nói thêm.

Đáp trả lại động thái trên, Bộ Ngoại giao Cuba ra tuyên bố rằng các bác sĩ của họ không hề ủng hộ bất kỳ cuộc biểu tình nào và cho biết một số người đã bị tấn công. Bộ Ngoại giao Venezuela hiện vẫn chưa bình luận về sự việc.

Ông Evo Morales, hiện đang tị nạn chính trị tại Mexico, tuyên bố rằng ông sẵn sàng về nước để mang lại hòa bình cho Bolivia "nếu nhân dân yêu cầu". Ảnh: AP

Cựu tổng thống Morales đã buộc phải từ chức vào ngày 10-11 dưới áp lực của các lực lượng vũ trang, sau các cuộc biểu tình bạo lực chống lại cuộc bầu cử lại của ông. Vụ việc bắt đầu khi cựu tổng thống tuyên bố chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, được tổ chức vào ngày 20-10, phe đối lập khẳng định rằng có sự bất thường trong quá trình kiểm phiếu.

Mặc dù hiến pháp Bolivia quy định một tổng thống chỉ có thể giữ chức hai nhiệm kỳ liên tiếp nhưng ông Morales năm 2014 đã sửa đổi hiến pháp để ra tranh cử lần thứ ba.

Sau khi ông Morales từ chức, Phó Tổng thống Álvaro García Linera cũng tuyên bố ra đi. Theo Hiến pháp Bolivia, sau khi cả Tổng thống lẫn Phó tổng thống đều từ chức, Chủ tịch Hạ viện Victor Borda, Chủ tịch Thượng viện Adriana Salvatierra và Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Ruben Medinaceli là những người nằm trong danh sách kế nhiệm.

Tuy nhiên, tất cả người này đều đồng loạt từ chức, tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn. Trong bối cảnh đó, bà Chavez, Phó chủ tịch thứ hai Thượng viện nổi lên như lựa chọn khả dĩ nhất để tiếp quản quyền lực của ông Morales. Bà Anez sau đó đã tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Cuối ngày 13-11, bà Anez bổ nhiệm 11 bộ trưởng nội các chuyển tiếp của mình để đảm bảo công việc của các cơ quan chính phủ tiếp tục.

Tính đến nay, Bolivia vẫn đang trong tình trạng bất ổn khi nhiều cuộc biểu tình của những nhóm người ủng hộ cựu tổng thống Morales liên tục nổ ra. Theo các công tố viên Bolivia, 10 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương trong những cuộc biểu tình phản đối lẫn ủng hộ Morales kể từ tháng trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm