Ông Lý Hiển Long phân tích lý do trừng phạt vô ích với Myanmar

Ngày 2-3, trả lời phỏng vấn của đài BBC về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, Thủ tướng Singapre Lý Hiển Long khẳng định việc chính quyền quân sự Myanmar dùng vũ lực với người biểu tình và bắn chết 18 người là hành động không thể chấp nhận được, theo kênh Channel News Asia.

"Người dân Myanmar đã mất rất nhiều thời gian để thiết lập được một chính quyền dân sự sau nhiều năm quân đội lãnh đạo. Tuy nhiên, nay quân đội lại lên nắm quyền nữa. Tôi cho rằng đây là một bước lùi đáng tiếc cho Myanmar" - ông Lý chia sẻ. 

Thủ tướng Singapore trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 2-3. Ảnh: CNA

Nhà lãnh đạo Singapore cũng đưa ra một số nhận xét về việc nhiều nước và tổ chức liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt lên giới lãnh đạo quân đội Myanmar thời gian qua. Theo đó, ông Lý cho rằng việc trừng phạt về ngắn hạn có thể có ảnh hưởng nào đó nhưng về dài hạn thì sẽ không thay đổi được gì bởi Myanmar lâu nay luôn thể hiện mức độ tự chủ cao trong chính sách đối ngoại.

"Không gì có thể ép phía quân đội Myanmar phải làm thế này thế kia mặc cho Mỹ, Liên minh châu Âu, ASEAN hay Liên Hợp Quốc muốn gì hay nói gì đi nữa. Hơn nữa, những nước như Mỹ ngoài trừng phạt kinh tế thì có thể làm gì nữa, họ không thể đột nhiên gửi quân đội tới Myanmar can thiệp được" - ông Lý nhận định. 

Dù vậy, ông Lý Hiểu Long cho biết ông rất hy vọng rằng chính quyền quân sự Myanmar theo thời gian sẽ tự nhận ra rằng việc lãnh đạo quá quyết đoán sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Ông cũng tin rằng chính quyền quân sự Myanmar rồi cũng sẽ tổ chức bầu cử lại như đã cam kết. 

"Trong quá khứ đã từng xảy ra những điều rất tồi tệ ở Myanmar và hiện tại cũng đang như vậy. Tuy nhiên, tôi có linh cảm mọi chuyện rồi cũng sẽ kết thúc tốt đẹp. Có thể sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết cục nhưng nó chắc chắn sẽ đến" - ông Lý khẳng định. 

Ngoài ra, ông Lý cũng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho lãnh đạo lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) Aung San Suu Kyi, nhấn mạnh việc bắt giữ bà Suu Kyi không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.

Theo ông, một giải pháp tốt hơn là để bà Suu Kyi được công khai phản biện bất kỳ cáo buộc gian lận bầu cử nào từ phía quân đội và hai bên cùng ngồi xuống đàm phán trong hoà bình, cùng nhau tìm ra con đường phát triển cho tương lai Myanmar. 

Kể từ khi bị quân đội bắt giữ hôm chính biến 1-2 đến nay, không ai biết bà Suu Kyi đang được giam giữ ở đâu. Phe quân đội thời gian qua liên tục di dời nơi giam giữ của bà nhằm đảm bảo an ninh.

Lần gần nhất bà xuất hiện trước công chúng là để dự phiên toà trực tuyến hôm 1-3 và bị truy tố hai tội danh là “vi phạm luật xuất nhập khẩu do tàng trữ trái phép các thiết bị điện tử” và “vi phạm luật quản lý thảm họa quốc gia”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm