Ông Lukashenko: Belarus sẽ không ngại nhờ quân đội Nga nhưng không phải lúc này

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố ông sẽ không ngần ngại nhờ Nga hỗ trợ quân sự nếu xuất hiện mối đe dọa đối với hai quốc gia nhưng lưu ý rằng hành động như vậy là chưa cần thiết vào lúc này, hãng thông tấn Belarus BelTA đưa tin.

Trong cuộc họp chính phủ hôm 30-7, ông Lukashenko tuyên bố: “Nếu có đòi hỏi liên quan tới an ninh của Nhà nước Liên minh - điều mà chúng ta (Belarus và Nga - PV) đang xây dựng – và an ninh của Belarus và Nga về việc triển khai tất cả các lực lượng vũ trang với tất cả các loại vũ khí thì các lực lượng này sẽ được triển khai tại đây (Belarus) ngay lập tức”.

Tuy nhiên, ông Lukashenko lưu ý rằng “ngay lúc này” thì “chưa có nhu cầu như vậy” và “hoàn toàn không cần”, đồng thời mô tả quân đội Belarus hiện tại là “khá mạnh, được củng cố và tinh gọn” khi có thể điều động 500.000 quân cùng một lúc, chưa tính lực lượng biên phòng. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: BELTA

“Nếu lực lượng này là chưa đủ, tất cả lực lượng vũ trang Nga sẽ được đưa tới đây. Nếu cần thiết và chúng ta sẽ không ngần ngại” - ông Lukashenko nói.

Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng ông và các đời Tổng thống Nga “chưa bao giờ” thảo luận về vấn đề triển khai quân Nga tới Belarus. Người đứng đầu chính quyền Minsk cũng bác bỏ thông tin rằng quân đội nước ngoài đã được triển khai tới Belarus trong giai đoạn bất ổn đỉnh điểm sau cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 8-2020.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận rằng Moscow chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ chính quyền Minsk về việc triển khai quân Nga tại Belarus, theo hãng tin Reuters.

Trong cùng ngày, Tổng thống Belarus cũng nhắc tới nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước như kế hoạch trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp và chỉ trích cái mà Minsk coi là chiến dịch tung tin giả của phương Tây.

Ông Lukashenko cho biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức không muộn hơn tháng 2-2022. Trước đó - vào ngày 16-3, ông Lukashenko đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Hiến pháp gồm 36 thành viên để phụ trách việc sửa đổi hiến pháp. Dự thảo đã được công bố trong tháng này có quy định giới hạn số nhiệm kỳ (không quá hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm) đối với vị trí Tổng thống Belarus và trong trường hợp cần thiết, quốc hội sẽ xác minh tính chính danh của tổng thống dân cử.

Ông Lukashenko cáo buộc các thế lực chống đối đang nỗ lực “dựng ra nhiều tin giả khác nhau” về quá trình cải cách hiến pháp ở Belarus và bôi nhọ hình ảnh Belarus trên trường quốc tế suốt từ tháng 8-2020 tới nay.

Tổng thống Belarus hiểu rõ đất nước này đang mắc kẹt trong “sự đụng độ giữa các nền văn minh” và “hứng chịu các cuộc tấn công trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thông tin và công cộng, cũng như các mối đe dọa quân sự”. Ông Lukashenko cáo buộc rằng mục đích sau cùng các hành động chống phá là xóa sổ dân tộc và nhà nước Belarus độc lập, tạo bàn đạp cho phương Tây hướng về phía đông. 

Đề xuất về Nhà nước Liên minh Nga-Belarus được đánh giá là tham vọng nhưng khó thực hiện. Các cuộc thảo luận đầu tiên được tổ chức vào năm 2019, tức là 20 năm sau khi khi hiệp ước về nhà nước này được ký kết. Nga và Belarus dự định xây dựng một chính phủ và nghị viện chun, thống nhất hệ thống thuế và thị trường chung về dầu mỏ, khí đốt và điện trên cơ sở bình đẳng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm