Ông Lavrov: Phương Tây cố tình kích động căng thẳng Trung Đông

Nga đã và đang rất lo ngại về tình hình gia tăng căng thẳng ở vịnh Ba Tư và cho rằng đang có âm mưu đẩy cao căng thẳng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định ngày 30-12.

“Chúng tôi cho rằng các đồng nghiệp phương Tây đang cố tình kích động tình hình. Và Nga với Iran phản đối âm mưu này với đề xuất thiết lập sự hợp tác công bằng, cùng có lợi ở khu vực quan trọng này” - ông Lavrov nói trong cuộc gặp ngày 30-12 với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại Moscow ngày 30-12. Ảnh: SPUTNIK

Ông Lavrov lên tiếng một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ vừa không kích năm mục tiêu quân sự của nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah ở Syria và Iraq.

“Nhằm trả đũa các vụ tấn công lặp đi lặp lại của Kata'ib Hezbollah vào các căn cứ ở Iraq nơi lực lượng liên quân quốc tế thực hiện Chiến dịch Nhổ tận gốc (OIR - đánh IS), lực lượng Mỹ đã thực hiện một số vụ tấn công phòng thủ có tính chính xác vào năm cơ sở của Kata'ib Hezbollah ở Iraq và Syria. Các vụ tấn công này làm giảm năng lực tấn công của Kata'ib Hezbollah đối với lực lượng OIR” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cho biết.

Kata'ib Hezbollah được Iran ủng hộ, hoạt động tích cực trong các cuộc xung đột tại Iraq và Syria. Ngoài sự ủng hộ của Iran, Mỹ cáo buộc Kata'ib Hezbollah còn nhận hỗ trợ quân sự từ nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin phàn nàn rằng Mỹ không hề thông báo cho Nga chuyện tấn công các cơ sở của nhóm Kata'ib Hezbollah ở Syria.

Căng thẳng Trung Đông leo thang từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và khôi phục trừng phạt Iran, đặc biệt sau khi tháng 5 Mỹ đưa đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln đến khu vực với lý do đối phó các đe dọa từ Iran với các quyền lợi của Mỹ. Theo Nga, kể từ đó vịnh Ba Tư bắt đầu chứng kiến một chuỗi sự cố nguy hiểm, như nhiều tàu dầu bị tấn công phá hoại, nhiều vụ bắt giữ tàu, bắn rơi máy bay không người lái.

Mỹ đưa đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln đến Trung Đông giữa năm nay. Ảnh: AP

Mỹ và Iran đổ lỗi bên kia làm căng thẳng gia tăng, đe dọa dẫn nhau về nguy cơ chiến tranh. Mùa hè này, Mỹ thông báo thành lập một liên minh hàng hải để bảo vệ tàu thương mại di chuyển ở vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz, vịnh Oman. Phần mình, Iran yêu cầu các nước bên ngoài khu vực không vào vùng Vịnh, đồng thời đề xuất lập một liên minh an ninh khu vực đảm bảo an toàn các vùng biển.

Đầu năm nay ông Lavrov từng nói Nga kêu gọi các nước không cáo buộc vô căn cứ lẫn nhau và cùng đối thoại hòa bình nhằm thống nhất một giải pháp giải quyết căng thẳng ở vịnh Ba Tư.

Tháng 7 vừa rồi, trong cao điểm căng thẳng Mỹ-Iran, Bộ Ngoại giao Nga công bố một phiên bản cập nhật của sáng kiến Nhận thức An ninh Tập thể cho khu vực vịnh Ba Tư, trong đó đề xuất “phản đối việc triển khai thường xuyên binh sĩ của các nước bên ngoài khu vực”.

Nhận thức An ninh Tập thể cho rằng sự hợp tác giữa các nước là điều cốt lõi của hệ thống an ninh mới trong khu vực. Nga đề nghị thành lập một tổ chức an ninh bao gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và các bên quan tâm khác.

Ông Lavrov nói rằng Nga hy vọng các nước ở Trung Đông sẽ có cái nhìn kỹ hơn với kế hoạch của Nga nhằm đảm bảo an ninh ở vùng Vịnh, sau việc hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công ngày 14-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm