Ông Lavrov: Nga ủng hộ kế hoạch giúp giải quyết khủng hoảng Myanmar của ASEAN

Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar, và đã chuyển thông điệp này tới giới lãnh đạo quân đội Nga.

Phát biểu trong chuyến thăm tới thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 6-7, ông Lavrov cho rằng đồng thuận 5 điểm mà các nước thành viên ASEAN đã nhất trí sẽ là cơ sở để giúp giải quyết tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Myanmar.

"Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Myanmar và cả với chính quyền quân sự nước này, chúng tôi đề cao vị thế của ASEAN, mà theo quan điểm của chúng tôi, sẽ là cơ sở để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này và đưa mọi thứ trở lại bình thường" - ông Lavrov nói.

Theo thông tin do Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đưa ra, Ngoại trưởng Lavrov sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến với những người đồng cấp ASEAN tại Jarkata.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mông Cổ Battsetseg Batmunkh tại Moscow vào ngày 1-6. Ảnh: AP

Bình luận của ông Lavrov được xem là rất có ý nghĩa và được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và quân đội Myanmar đang ngày càng sâu sắc hơn, theo AP.

Dù bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực ở Myanmar, nhưng Nga, nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội nước này, lại là một trong số ít các quốc gia đã công nhận chính quyền quân sự Myanmar và đã cử các quan chức hàng đầu đến đây để gặp các tướng lĩnh.

Trước đó, vào tháng 6, Nga đã chào đón ông Hlaing và phái đoàn quân sự Myanmar trong chuyến thăm Moscow từ ngày 22 đến 24-6. Viên tướng này đã tham dự nhiều cuộc phát biểu và phỏng vấn, cũng như được trao danh hiệu giáo sư danh dự tại Đại học Quân sự của các Lực lượng Vũ trang Nga.

Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar. Ảnh: AP

Hồi tháng 4, Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar (chính quyền được quân đội nước này lập nên sau cuộc chính biến) đã đồng ý với kế hoạch hòa bình của ASEAN. Tuy nhiên bên cạnh đó chính quyền quân sự Myanmar có một kế hoạch hoàn toàn khác để khôi phục lại trật tự và dân chủ.

Các nước ASEAN đã nỗ lực hết mình để kêu gọi đối thoại giữa các bên, bổ nhiệm một đặc phái viên, hỗ trợ hoạt động nhân đạo nhiều hơn với mong muốn chấm dứt tình trạng bạo lực.

Dù thế một số thành viên của ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia và Singapore, đều tỏ ra thất vọng trước thái độ mà các nước này cho là thiếu hợp tác của chính quyền quân sự Myanmar.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội nước này tiến hành cuộc chính biến vào ngày 1-2 và bắt giữ nhiều lãnh đạo của chính quyền dân cử, gây ra sự giận dữ trên toàn quốc, dẫn đến các cuộc biểu tình và giao tranh giữa người dân và chính quyền quân sự.

Các cuộc giao tranh đã khiến hàng chục nghìn người dân Myanmar phải di tản ở một số khu vực, AP đưa tin.

Nhiều cường quốc trên thế giới đã liên tục trừng phạt các doanh nghiệp và lãnh đạo cấp cao của chính quyền quân sự nước này, đồng thời kêu gọi một lệnh cấm toàn cầu nhằm chấm dứt việc bán vũ khí cho Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm