Ông Biden lên tiếng về chính biến Myanmar, đe dọa trừng phạt

Tổng thống Mỹ Joe Biden đe doạ trừng phạt Myanmar sau khi quân đội nước này bắt giữ nhiều lãnh đạo ở Naypyitaw vào sáng sớm 1-2, đài CNN đưa tin.

Ngay chính biến ở Myanmar - khi giờ địa phương ở Mỹ vẫn là ngày 31-1 (tức sáng 1-2 theo giờ Myanmar), Mỹ là nước đầu tiên lên tiếng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington "quan ngại và báo động nghiêm trọng" trước hành động của quân đội Myanmar, yêu cầu thả ngay Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo Myanmar.

Sau đó, trong trưa 1-2 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Biden đe dọa tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Myanmar.

"Trong một thập niên qua, Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trên cơ sở sự tiến bộ hướng tới nền dân chủ. Việc đảo ngược sự tiến bộ đó đòi hỏi việc xem xét lại ngay lập tức thẩm quyền và các luật của chúng tôi về trừng phạt, sau đó là các hành động thích hợp" - ông Biden viết trong bản tuyên bố của Nhà Trắng. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Ông Biden gọi chính biến ở Myanmar là một "cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và pháp quyền" ở Myanmar, kêu gọi cộng đồng quốc tế "cùng nhau cất một tiếng nói chung để gây áp lực đòi quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ (mới) nắm giữ".

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhắc lại rằng người dân Mỹ sẽ sát cánh bên người dân Myanmar "trong thời khắc khó khăn này".

Bà Psaki kêu gọi cộng đồng thế giới phản ứng trước tình hính mới ở Myanmar và gián tiếp đề cập Trung Quốc khi kêu gọi "các nước được yêu cầu phải phản ứng hoặc phải xem xét đâu là phản ứng thích hợp”.

Bản tuyên bố của Nhà Trắng cũng nêu rõ Mỹ sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ việc khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như buộc những lực lượng đã đảo ngược quá trình tiến bộ ở Myanmar phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, sau phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ, hàng loạt các nước đã lên tiếng về chính biến ở Myanmar.

Cũng như Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi quân đội Myanmar ngay lập tức thả bà Suu Kyi cùng Tổng thống dân sự Win Myint và tôn trọng kết quả tổng tuyển cử. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng lên án hành vi đảo chính này.

Trung Quốc kêu gọi các bên ở Myanmar bình tĩnh giải quyết các bất đồng. Indonesia và Malaysia cũng có quan điểm tương tự Trung Quốc, trong khi Singapore "quan ngại nghiêm trọng" trước khủng hoảng chính trị này.

Thái Lan, Campuchia và Philippines coi đây là vấn đề nội bộ của Myanmar và từ chối bình luận hoặc từ chối can thiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm