Người bí ẩn cứu chuyến bay Lion Air một ngày trước thảm họa

Một ngày trước khi rơi vào hôm 29-10-2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air cũng đã gặp trục trặc nghiêm trọng, nhưng may mắn được cứu nhờ sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của một viên phi công bí ẩn.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn hai nguồn tin biết về cuộc điều tra đang diễn ra của Indonesia cho biết phi hành đoàn điều khiển chiếc Boeing 737 MAX 8 bay từ Bali sang Jakarta trong ngày 28-10-2018 đã mất khả năng kiểm soát chiếc máy bay này. Và phi hành đoàn nhận được sự trợ giúp từ một nhân vật đặc biệt có mặt trong buồng lái lúc đó – một phi công đang nghỉ phép.

Viên phi công vốn đang nghỉ phép này đi chuyến bay với mục đích cá nhân và được sắp xếp ngồi ở một chiếc ghế phụ trong buồng lái (jumpseat – các hãng bay thường có chính sách cho phép nhân viên hãng trong đó có phi công được phép bay miễn phí khi có việc cá nhân).

Lực lượng cứu hộ vớt bánh máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air ngày 4-11-2018. Ảnh: EPA

Lực lượng cứu hộ vớt bánh máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air ngày 4-11-2018. Ảnh: EPA

Chính viên phi công này đã chẩn đoán đúng vấn đề chiếc máy bay gặp phải và chỉ dẫn phi hành đoàn tắt hệ thống kiểm soát bay (MCAS) đang gặp trục trặc.

Cụ thể hơn, theo các nguồn tin, viên phi công này đã chỉ dẫn phi hành đoàn ngắt nguồn điện nối đến động cơ lái mũi chiếc máy bay chúi xuống và cứu được chiếc Boeing 737 MAX 8 khỏi rơi trong ngày bay 28-10-2018.

Nhưng điều may mắn này đã không xảy ra trong ngày bay 29-10-2018. Chiếc Boeing 737 MAX 8 dưới sự điều khiển của một phi hành đoàn khác đã gặp trục trặc tương tự, và đã rơi xuống biển Java với toàn bộ 189 người trên máy bay.

Thông tin này có thể giúp giải thích tại sao có một số phi công khi hệ thống MCAS của những chiếc 737 MAX gặp trục trặc vẫn có thể cứu được máy bay, nhưng một số phi công khác thì không.

Theo quy định mỗi chuyến bay có hai phi công được chỉ định, và thông tin về sự có mặt của viên phi công thứ ba trong buồng lái chiếc Boeing 737 MAX 8 ngày bay 28-10-2018 không được đề cập trong báo cáo điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) về vụ chiếc máy bay này rơi ngày 29-10-2018.

Báo cáo được công bố vào ngày 28-11-2018. Tuy nhiên, báo cáo của NTSC cũng cho biết máy bay gặp nhiều trục trặc trong các chuyến bay trước đó và không được sửa chữa đúng cách.

Buồng lái chiếc Boeing 737 MAX 8. Ảnh: BLOOMBERG

Buồng lái chiếc Boeing 737 MAX 8. Ảnh: BLOOMBERG

Bloomberg đã liên hệ với hãng Lion Air và được người phát ngôn Danand Prihantoro trao đổi qua điện thoại: “Toàn bộ dữ liệu và thông tin chúng tôi có về chuyến bay và về máy bay đã được trình lên Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia. Chúng tôi không thể cung cấp thêm bình luận nào trong thời điểm này vì cuộc điều tra đang diễn ra”.

Các đại diện của NTSC và của Boeing từ chối bình luận về chuyến bay ngày 28-10-2018 của chiếc Boeing 737 MAX 8.

Hệ thống an toàn MCAS được thiết kế để giữ chiếc máy bay cao lên quá gấp và tròng trành, mất điều khiển dẫn đến rơi. Hệ thống MCAS đang là tâm điểm chú ý của các nhà điều tra vụ tai nạn chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air rơi ngày 29-10-2018 cũng như chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines rơi ngày 10-3.

Các máy bay Boeing 737 MAX 8 tại sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor ngày 13-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Các máy bay Boeing 737 MAX 8 tại sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor ngày 13-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 19-3, Cơ quan điều tra hàng không dân dụng Pháp (BEA) kết luận đúng là có “một số tương đồng rõ ràng” trong hai vụ tai nạn của Boeing 737 MAX ngày 10-3 và ngày 29-10-2018.

Tới lúc này, có thể thấy báo cáo điều tra ban đầu của Indonesia về vụ tai nạn ngày 29-10-2018 và nhận định điều tra ban đầu từ vụ tai nạn ngày 10-3 đều cho rằng hai chiếc máy bay có thể có vấn đề ở hệ thống kiểm soát bay MCAS.

Cả hai máy bay đều bay với sự mất ổn định về độ cao, một dấu hiệu cho thấy các phi công đã vật lộn để kiểm soát máy bay. Không lâu sau khi cất cánh, cả hai chiếc máy bay đều cố gắng quay trở lại sân bay nhưng không được, và rơi sau đó.

Các mảnh vỡ được thu thập từ hiện trường chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia. Ảnh: GETTY IMAGES

Các mảnh vỡ được thu thập từ hiện trường chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia. Ảnh: GETTY IMAGES

Sau khi chiếc Boeing 737 MAX 8 đầu tiên rơi, hai liên đoàn phi công ở Mỹ có lên tiếng về rủi ro tiềm tàng của hệ thống MCAS, rằng họ đã không được hướng dẫn và huấn luyện đầy đủ.

Sau tai nạn của Lion Air, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu Boeing thông báo với các hãng hàng không về hệ thống MCSA, và Boeing đã gửi một thông báo đến các hãng bay đang sử dụng dòng máy bay 737 MAX chỉ dẫn nên làm sao vô hiệu hóa hệ thống này trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông nước này cũng đang điều tra việc FAA chứng nhận cho Boeing đưa máy bay Boeing 737 MAX vào sử dụng, và trọng tâm của cuộc điều tra này là về chứng nhận hệ thống MCAS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm