Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mở thêm đàm phán về vấn đề Syria

Hãng AP ngày 18-2 dẫn lời ông Ibrahim Kalin - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói rằng cuộc đàm phán tại Moscow về giảm căng thẳng ở khu vực tây bắc Syria đã kết thúc dù chưa đạt được thỏa thuận “làm thỏa mãn Ankara” nhưng hai bên đồng ý sẽ tiếp tục gặp nhau.

“Chúng tôi đã không chấp nhận tài liệu và bản đồ mà được trình bày trong hai ngày thảo luận” - ông Kalin nói trước báo giới hôm 18-2. Ông nói thêm rằng vị trí Thổ Nhĩ Kỳ phải được đưa trở về như đã được trình bày trong thỏa thuận ngừng bắn cho Idlib năm 2018 và Ankara cũng không thể chuyển vị trí của 12 trạm giám sát ở khu vực này.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục gửi quân tiếp viện để bảo vệ các khu vực và dân thường. Ankara sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại quân đội một cách mạnh mẽ nhất như cách chúng tôi đã làm trong những tuần qua” - ông Kalin nhấn mạnh.

Một đoàn xe quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt sau khi vào lãnh thổ Syria qua biên giới Kafr Lusin ở tỉnh Idlib. Ảnh: AFP

Về phần mình, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Cả Moscow và Ankara đều ghi nhận việc tuân thủ các thỏa thuận hiện có để đưa ra các biện pháp giảm căng thẳng, giảm bớt tình trạng căng thẳng nhân đạo và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố”.

Vài giờ trước khi cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh cho phép tạo các hành lang an toàn cho người dân trong các khu vực xung đột ở tây bắc Syria. 

Bà Bachelet nói rằng đó sẽ là một “sự tàn nhẫn” nếu buộc dân thường sống dưới tấm bạt giữa trời giá lạnh và trong khi xung đột vẫn xảy ra.

Dân thường chạy từ Idlib lên phía bắc gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khi lực lượng chính phủ Syria tiến hành các đợt tiến công lên phía tây bắc. Ảnh: AP

“Trẻ em và gia đình bị cuốn vào giữa bạo lực, cảm lạnh, thiếu thức ăn và điều kiện sống tuyệt vọng. Việc coi nhẹ an toàn và hạnh phúc của trẻ em, gia đình là vô cùng đáng trách và không thể tiếp tục được” - Giám đốc điều hành của cơ quan trẻ em của Liên Hiệp Quốc Henrietta Ford nói.

Cơ quan Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận 298 người thiệt mạng ở hai tỉnh Idlib và Aleppo. Theo họ, 93% những cái chết đó là do chính phủ Syria và các đồng minh gây ra. Ngoài ra, 10 cơ sở y tế và 19 cơ sở giáo dục đã bị tấn công trực tiếp hoặc bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích gần đó.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng sự đau khổ mà người dân Syria phải chịu là “vô cùng kinh khủng” do cuộc xung đột kéo dài chín năm tại Syria gây ra. Ông kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cùng với Iran nhanh chóng tìm giải pháp chính trị, theo AP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm