Nga phát triển tên lửa đầu đạn hạt nhân mới vào 2021

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, Nga sẽ phát triển tên lửa mặt đất và tên lửa hành trình mới nhằm đáp trả việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đài CNBC đưa tin.

Vào ngày 1-2, Mỹ khẳng định sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước (INF), trong đó cấm các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất trong tầm bắn 500 - 5472 km. Chính quyền Mỹ cho biết đã thực hiện biện pháp trên sau khi Nga bác bỏ cáo buộc tên lửa SSC-8 của Nga trái với thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh.

Đến ngày 2-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng bằng cách tạm dừng các nghĩa vụ của Nga theo Hiệp ước. Phát biểu với truyền thông, ông Putin cho biết Nga sẽ đáp trả sòng phẳng động thái của Mỹ bằng cách nghiên cứu và phát triển công nghệ tên lửa hạt nhân mới nhưng sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong một cuộc họp tại Điện Kremlin. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga, ông Shoigu cho biết hôm 5-1 khi Hiệp ước không còn ràng buộc nữa, điều quan trọng bây giờ là tăng phạm vi hoạt động hệ thống tên lửa đất liền của Nga trong vòng hai năm tới.

Vào năm 2019-2020, Nga nên phát triển một phiên bản phức hợp Kalibr trên mặt đất với tên lửa hành trình tầm xa. Công nghệ này đã được chứng minh là có hiệu quả ở Syria. Đồng thời, Nga nên tạo ra một tổ hợp tên lửa mặt đất với một tên lửa siêu thanh tầm xa.

Các tên lửa trong dòng Kalibr khác nhau về kích thước, bệ phóng, tầm bắn và tốc độ nhưng tất cả đều có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Thỏa thuận buộc cả hai nước phải tháo dỡ hơn 2.500 tên lửa.

Hiện nay, khi cả hai nước đã đình chỉ INF, hiệp ước sẽ hết hạn sau 6 tháng nữa nếu Washington và Moscow không thể tìm được thỏa thuận. Một Hiệp ước cắt giảm vũ khí riêng biệt (START) 2010 với các điều khoản hạn chế các bệ phóng tên lửa hạt nhân và cải thiện việc kiểm tra cũng có thể bị thất bại khi hết hiệu lực vào năm 2021.

Angela Kane, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna cho biết Mỹ có thể ngừng các hiệp định vũ khí hạt nhân song phương nhằm mục đích cạnh tranh với các đối thủ mới nổi khác như Trung Quốc, Iran hoặc Triều Tiên. Nếu không có thỏa thuận INF, nhiều tên lửa hạt nhân có thể được triển khai tới bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm