Nga: Mỹ tăng quân ở Trung Đông không giải quyết được vấn đề

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin nói với báo giới ngày 24-9 rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông sẽ không giải quyết được những căng thẳng ở vịnh Ba Tư, đặc biệt là những vụ tấn công gần đây vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, theo Sputnik.

“Chúng tôi không nghĩ những vấn đề như vậy có thể được giải quyết bằng việc gia tăng hiện diện quân sự. Chúng tôi nghĩ rằng tất cả chi tiết phải được xác minh; một cuộc điều tra khách quan phải được tiến hành. Trong bất kỳ trường hợp, những vấn đề này không nên được giải quyết thông qua các biện pháp quân sự” - ông Vershinin nhấn mạnh.

Nhà máy dầu ở Abqaiq bốc cháy sau vụ tấn công ngày 14-9. Ảnh: REUTERS

Saudi Arabia buộc đóng cửa hai nhà máy dầu của tập đoàn dầu khí Aramco ở TP Abqaiq và Khurais sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm 14-9 gây ra các đám cháy lớn. Phiến quân Houthi ở Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đổ lỗi cho Iran.

Hôm 20-9, Lầu Năm Góc tuyên bố họ sẽ gửi thêm lính Mỹ đến Saudi Arabia sau các cuộc tập kích vào cơ sở dầu mỏ lớn nhất thế giới tại Abqaiq và một mỏ dầu lớn tại Khurais.

Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tuần trước tổ chức họp báo trung ra bằng chứng tố cáo Iran tham gia vụ tấn công. Tehran phủ nhận mọi cáo buộc.

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Iran Brian Hook hôm 23-9 nói rằng Trung Quốc đang có nguy cơ chiến tranh nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục không làm gì để chống lại sự gây hấn của Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 24-9 lưu ý rằng nhóm Houhi ở Yemen đã làm bẽ mặt Washington khi có thể đánh trúng các mục tiêu ở Saudi Arabia do sự vô dụng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Saudi Arabia không tin rằng Teran có liên quan vụ tấn công nhà máy dầu gần đây mặc dù có những nhận xét trái ngược về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng thế giới đang đối mặt một cuộc xung đột vũ trang ở vịnh Ba Tư sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia.

Bao nhiêu lính Mỹ ở Trung Đông?

Mỹ có gần 800 căn cứ quân sự khắp thế giới và Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ nói rằng có 60.000-70.000 binh sĩ Mỹ hiện điện ở Trung Đông, theo trang tin Axios.

Afghanistan: 14.000 lính Mỹ đang đóng quân ở quốc gia Trung Á này và khoảng 8.000 lính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bahrain: Có hơn 7.000 lính Mỹ đóng quân tại Bahrain, chủ yếu thuộc Hải quân Mỹ. Tuy nhỏ bé nhưng Bahrain được đánh giá là vị trí then chốt để duy trì an ninh vịnh Ba Tư do vị trí quan trọng của nó.

Iraq: Tính đến tháng 1-2019, có khoảng 5.200 lính Mỹ đang ở Iraq, theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Quân đội Mỹ được triển khai tại Iraq để giúp chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Lính Mỹ trong cuộc tuần tra chung với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ảnh: GETTY

Jordan: Có khoảng 2.795 binh sĩ Mỹ tham gia chiến dịch chống IS và thúc đẩy sự ổn định khu vực.

Kuwait: Hơn 13.000 lính Mỹ đóng tại Kuwait, trong đó có các căn cứ tiền phương của quân đội Mỹ.

Oman: Vài trăm lính Mỹ đang hiện diện ở Oman, gần eo biển Hormuz. Nước này trở thành nơi để Mỹ tổ chức các chiến dịch quân sự trong khu vực từ những năm 1980. Oman cũng hỗ trợ Mỹ chống IS.

Qatar: Có khoảng 13.000 lính Mỹ đồn trú ở nước này. Mỹ cũng đang lên kế hoạch mở rộng các căn cứ tại Qatar trong tương lai. Quốc gia vùng Vịnh này ủng hộ các nỗ lực của Mỹ chống khủng bố trong khu vực.

Saudi Arabia: Theo hãng tin AP, lực lượng đặc biệt của Mỹ đã hỗ trợ lực lượng Saudi Arabia trong cuộc can thiệp quân sự ở Yemen và đưa hơn 500 binh sĩ tới vương quốc này hồi đầu tháng 9 sau căng thẳng gia tăng với Iran.

Syria: Có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ ở Syria, theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Syria vẫn chìm trong nội chiến với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ: Vẫn chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, song vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí và hậu cần.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): 5.000 binh sĩ Mỹ đóng ở UAE, một quốc gia nhỏ bé nằm gần eo biển Hormuz.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm