Nga: Mỹ cố gây áp lực buộc Iran thay đổi thể chế

Mỹ đang cố tăng áp lực bên ngoài lên Iran nhằm thay đổi thể chế ở một đất nước có chủ quyền bằng thế lực từ bên ngoài, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngày 23-4.

“Bất chấp các đảm bảo thường xuyên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng Iran tuân thủ tỉ mỉ mọi yêu cầu với mình theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ vẫn cáo buộc một cách vô căn cứ rằng Iran có các tham vọng bí mật về tên lửa và hạt nhân. Mục đích của việc này, dưới cái cớ của những tuyên bố tự nghĩ ra, là để tối đa áp lực bên ngoài lên Iran nhằm đạt được sự thay đổi quyền lực ở một đất nước có chủ quyền với thế lực bên ngoài, bất chấp luật pháp quốc tế”, hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Nhà máy lọc dầu Tehran ở phía nam thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: AP

Nhà máy lọc dầu Tehran ở phía nam thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: AP

Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc chấm dứt hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran sẽ không làm mạnh thêm uy quyền của Mỹ với quốc tế.

“Mỹ rõ ràng đã phạm sai lầm khi chọn biện pháp này - một chiến thuật bóp nghẹt về kinh tế thực sự, đánh đòn đau đến điều kiện sống của người dân Iran bình thường nhằm buộc Iran phải chiều theo mọi thỏa thuận theo ý Mỹ. Chính sách như vậy sẽ không làm mạnh thêm uy quyền quốc tế cho người Mỹ - phần còn lại của thế giới hoàn toàn thấy chính sách của Mỹ đang trở nên hung hăng hơn và thiếu thận trọng hơn”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Trong nỗ lực siết xuất khẩu dầu Iran, Nhà Trắng ngày 22-4 thông báo sẽ chấm dứt hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran nhằm “khiến xuất khẩu dầu của Iran phải thành con số 0”.

Việc hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran sẽ không được Mỹ gia hạn thêm sau khi hết hiệu lực vào tháng 5, theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngày 22-4. Lệnh hoãn trừng phạt này áp dụng cho 7 nước –Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Ý, Hy Lạp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và lãnh thổ Đài Loan từ tháng 11-2018.

Thông báo quyết định chấm dứt hoãn trừng phạt, Mỹ đảm bảo mình sẽ cùng với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có biện pháp để duy trì “cung cấp thỏa đáng” cho thị trường dầu toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm