Nga muốn cử người tới Đức hợp tác điều tra vụ ông Navalny

Nga đề xuất gửi nhân viên điều tra đến TP Berlin để phối hợp với giới chức Đức điều tra vụ việc nghi là chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 11-9, Bộ Nội vụ Nga cho biết lực lượng an ninh nước này đang truy vết lịch sử di chuyển của ông Navalny và tiếp tục tìm kiếm một người có khả năng là nhân chứng trực tiếp trong vụ nghi đầu độc này. Nhân chứng này được báo cáo đã rời khỏi Nga.

Bộ Nội vụ Nga còn cho biết cơ quan này đang chuẩn bị gửi cho phía Đức một văn bản chính thức yêu cầu Berlin hỗ trợ pháp lý. Đồng thời, giới chức tại Moscow muốn gửi các điều tra viên đến Đức để làm rõ những gì đã xảy ra với ông Navalny. 

Ông Alexei Navalny được đưa vào bệnh viện Charite (Berlin) hôm 22-8. Ảnh: AFP

"Văn bản yêu cầu sẽ bao gồm đơn đề nghị có thể có sự hiện diện của các điều tra viên thuộc Bộ Nội vụ và các chuyên gia Nga khi các đồng nghiệp Đức tiến hành điều tra", Bộ Nội vụ Nga viết trong bản tuyên bố ngày 11-9.

Theo đó, Moscow đề xuất các nhân viên điều tra Nga được phép đặt câu hỏi cho ông Navalny cùng các bác sĩ và chuyên gia Đức liên quan tới vụ việc.

Cũng trong ngày 11-9, các công tố viên Berlin thông báo sẽ điều tra vụ việc liên quan tới ông Navalny. Đồng thời, Đức sẽ chuyển thông tin về ông Navalny cho chính quyền Moscow chỉ trong trường hợp chính trị gia đối lập người Nga đồng ý, .

Như vậy, Đức đã thay đổi quyết định bởi trước đó, chính quyền nước này nói rằng do hành vi đầu độc xảy ra bên ngoài lãnh thổ, Đức sẽ không tiến hành vụ việc.

Truyền thông phương Tây tiếp tục chỉ trích Nga không chịu mở cuộc điều tra hình sự vụ nghi là sử dụng chất độc hóa học này.

Tuy nhiên, trong ngày 11-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa làm rõ lập trường của Moscow. Ông Peskov nói rằng Moscow phẫn nộ trước các áp lực dồn dập từ phương Tây vì một cáo buộc "vô căn cứ" và giải thích rằng với các bằng chứng mà Nga đã nắm được, không đủ cơ sở để nước này coi đây là một vụ án hình sự.

"Chúng tôi không thể tiến hành kiểm tra và truy vấn như trong một vụ án hình sự dựa vào những phân tích từ một phòng thí nghiệm Đức, về mặt pháp lý thì điều đó là không thể", ông Peskov nêu rõ.

Dù không chính thức tiến hành điều tra hình sự, cảnh sát TP Tomsk (Nga) - nơi ông Navalny ở lần cuối trước khi có dấu hiệu bị hạ độc - đã lên sẵn danh sách các khách sạn, nhà hàng, căn hộ, cửa hàng ăn uống được cho là nơi chính trị gia đối lập này đã đi qua.

Cảnh sát Nga còn nói rằng trước khi có dấu hiệu bị hạ độc, ông Navalny đã uống rượu vang và một loại cocktail có cồn. Tuy nhiên, đại diện của ông phủ nhận thông tin này.

Cảnh sát cũng đã thẩm vấn năm trong số sáu người được cho là đã đi cùng ông Navalny khi xảy ra vụ việc. Lực lượng an ninh đang tìm kiếm người còn lại, một công dân Anh, sau khi người này đã bay đến Đức vào ngày 22-8.

Reuters dự báo yêu cầu của Nga về việc hợp tác điều tra khó có khả năng thành công. Nguyên nhân là Đức đã thể hiện lập trường mạnh mẽ trong vụ việc này, sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để cáo buộc ông Navalny bị hạ độc Novichok, yêu cầu Moscow phải giải thích rõ ràng và kêu gọi phương Tây cùng thống nhất phản ứng trước cáo buộc này. 

Nga: Đã truy được lộ trình trước khi hôn mê của ông Navalny
(PL)- Ngày 11-9, Bộ Nội vụ Nga cho biết cảnh sát Nga đã truy được hành trình di chuyển của nhân vật đối lập Alexei Navalny và chất lỏng ông đã uống trước khi đổ bệnh khi ông đang trên một chuyến bay ở vùng Siberia (Nga) tháng trước, hãng tin Reuters cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm