Nga cáo buộc Mỹ làm lơ quan ngại của Nga về kiểm soát vũ khí

Ngày 8-11, phát biểu tại hội nghị Không phổ biến vũ khí hạt nhân Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc phía Mỹ làm lơ các quan ngại của Nga về kiểm soát vũ khí. Ông Ryabkov nói rõ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) giữa Nga và Mỹ là cách duy nhất giúp tránh được sự suy giảm hơn nữa trong kiểm soát vũ khí và giúp ngăn chặn suy giảm sự ổn định chiến lược.

“Chúng tôi cực kỳ quan ngại về diễn biến xung quanh tương lai của hiệp ước New START vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Đây là công cụ cuối cùng trong kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược giữa hai nước. Chúng tôi đã nhiều lần cho thấy mình sẵn sàng bàn bạc về khả năng kéo dài hiệp ước” - hãng tin Sputnik dẫn lời ông Ryabkov ngày 8-11.

Một tên lửa phòng không tầm trung phóng từ mặt đất của hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ trong một lần phóng thử nghiệm tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Một tên lửa phòng không tầm trung phóng từ mặt đất của hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ trong một lần phóng thử nghiệm tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California (Mỹ). Ảnh: REUTERS

“Tình hình hiện tại cho thấy kéo dài hiệp ước New START dường như là cách duy nhất ngăn chặn một sự suy tàn hoàn toàn của sự ổn định chiến lược, tránh được sự xói mòn của cơ chế kiểm soát và hạn chế vũ khí, tên lửa hạt nhân. Kéo dài New START cũng giúp hai nước có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu và bàn bạc về các cách tiếp cận, trong đó có tiếp cận các vũ khí và công nghệ mới cũng như các biện pháp kiểm soát chúng” - ông Ryabkov nói.

Theo ông Ryabkov, dù cũng nhiều lần đề cập chuyện này nhưng Mỹ đến thời điểm này vẫn tránh có bất kỳ cuộc bàn bạc thực chất nào về khả năng gia hạn New START.

“Bên cạnh đó, Mỹ rõ ràng làm lơ các quan ngại của chúng tôi liên quan đến sự tuân thủ của Mỹ với các bổn phận của Mỹ theo hiệp ước cũng như từ chối làm rõ các kế hoạch liên quan đến việc gia hạn hiệp ước” - ông Ryabkov nói.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Tochka được phóng thử nghiệm ở vùng Kaliningrad (Nga). Ảnh: SPUTNIK

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Tochka được phóng thử nghiệm ở vùng Kaliningrad (Nga). Ảnh: SPUTNIK

Hiệp ước New START yêu cầu cắt giảm số vụ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược của hai nước đi một nửa, hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai còn 1.550. Theo ông Ryabkov, Mỹ từng đề xuất hiệp ước New START nên bao gồm cả các vũ khí mới của Nga.

Trước khi ông Ryabkov lên tiếng, ngày 5-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm đặc biệt vì Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất và hiện đại nhất thế giới.

Theo ông Cảnh Sảng, “Mỹ cần phản hồi lời kêu gọi của Nga về khả năng kéo dài hiệp ước New START cũng như cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình”.

Ông Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc thấy không có lý do gì để đàm phán kiểm soát vũ khí, giảm trừ quân bị ba bên với Mỹ và Nga. Và nếu Mỹ muốn điều này xảy ra thì phải kéo dài hiệp ước New START cũng như cắt giảm kho vũ khí hạt nhân “nhằm tạo các điều kiện để các quốc gia hạt nhân khác tham gia đàm phán”.

Kể từ khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga sụp đổ hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đề cập khả năng đàm phán thông qua một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới bao gồm không chỉ Nga mà cả Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm