Nếu Nhật-Triều chiến tranh, Hàn Quốc sẽ ủng hộ ông Kim Jong-un

Trong một tin tức có lẽ gây sốc nhiều người bên ngoài bán đảo Triều Tiên, một  cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng nếu Triều Tiên và Nhật Bản nổ ra xung đột, phần lớn người Hàn Quốc sẽ đứng về phía miền Bắc, theo hãng tin RT.

Cuộc khảo sát có tựa “Tình hình ở Đông Bắc Á và nhận thức của người Hàn Quốc” phát hiện rằng 45,5% số người được hỏi sẽ ủng hộ Triều Tiên, trong khi chỉ 15,1% sẽ ủng hộ Nhật Bản và 39,4% không có quyết định.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Cuộc khảo sát, được thực hiện bởi viện chính sách do nhà nước tài trợ do nghiên cứu viên Lee Sang Sin dẫn đầu, có sự tham gia của 1.000 người và được thực hiện trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 10-2019.

Những phát hiện trên được trình bày hôm 6-11 tại Diễn đàn Hòa bình thường niên lần thứ 11 của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc.

Ông Lee cho hay những kết quả trên “không quá ngạc nhiên” đối với những ai đã theo dõi địa chính trị trong khu vực trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là sự ấm lên trong mối hệ giữa hai miền Triều Tiên. Ông Lee nói thêm rằng mối quan hệ chính trị dường như không ảnh hưởng tới câu trả lời của những người tham gia khảo sát.

Cả hai miền Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng trong phần lớn nửa đầu thế kỷ 20. Chỉ sau khi kết thúc Thế chiến II và bắt đầu Chiến tranh Lạnh, bán đảo Triều Tiên mới bị chia cắt.

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm (1950-1953) chưa bao giờ chính thức khép lại. Tuy nhiên, hôm 5-11, 71 thành viên của Quốc hội Hàn Quốc đã thúc đẩy một nghị quyết kêu gọi chính thức chấm dứt các hành động thù địch giữa miền Bắc và miền Nam trên bán đảo.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực biên giới liên Triều hồi tháng 6. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh hòa bình với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ba lần, trong đó có cuộc gặp lịch sử tại biên giới liên Triều.

Ông Kim Jong-un cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm khởi đầu một giai đoạn nồng ấm lịch sử trong quan hệ đối với Triều Tiên.

“Đối với người Hàn Quốc, Triều Tiên giống như một người gây rắc rối trong gia đình, một thành viên không ngoan. Chúng tôi coi nhẹ Triều Tiên, nhưng cũng không muốn thấy Triều Tiên bị đánh bại bởi các quốc gia khác”, ông Lee nói với tờ Newsweek.

 “Tương tự, bất cứ khi nào Hàn Quốc có tranh chấp lãnh thổ về Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) với Nhật Bản, Triều Tiên đã đứng về phía Hàn Quốc”, ông Lee nói thêm.

Hàn Quốc gọi khu vực hàng hải này là biển Đông, trong khi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và gọi là Biển Nhật Bản. Tranh chấp khu vực hàng hải này leo thang gần đây sau khi một cuộc tuần chung giữa Nga và Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm không phận.

Tokyo và Seoul đã tung tiêm kích đáp trả và đều tuyên bố có quyền giải quyết tình hình. Tranh cãi thậm chí đã dẫn tới việc Nhật Bản áp trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc.

Triều Tiên gần đây thử thành công pháo phản lực siêu lớn. Ảnh: AFP

"Đây là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ của chúng tôi kể từ khi bình thường hóa quan hệ”, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

Trong khi đó, Triều Tiên đã tiếp tục tiến hành phóng tên lửa nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình với phía Hàn Quốc và Mỹ, một động thái bị Nhật Bản lên án mạnh mẽ.

Căng thẳng trong khu vực leo thang hơn nữa vào hôm 7-11 khi Triều Tiên đưa ra những tuyên bố xúc phạm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên quan tới những bình luận gần đây của ông về các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng.

“Thủ tướng Nhật Bản Abe, người hiện gây ầm ĩ về vụ phóng pháo phản lực siêu lớn của chúng tôi như thể một đầu đạn hạt nhân đã rơi trúng lãnh thổ Nhật Bản vậy, là một kẻ ngốc. Ông Abe, người đưa ra những tuyên bố thiếu suy nghĩ về các biện pháp tự vệ chính đáng của chúng tôi… đừng nên mơ mộng một lúc nào đó được đặt chân đến Bình Nhưỡng”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trích lời nhà ngoại giao Triều Tiên Song Il-ho.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm