NATO rạn nứt vì Thổ Nhĩ Kỳ đánh lực lượng tay súng người Kurd

Việc Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình đánh vào lực lượng các tay súng người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria không những bị nhiều nước lên án mà còn là nguồn cơn gây nên sự rạn nứt trong các thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 10-10, Ngoại trưởng NaUy Ine Soreide thông báo trên một thư điện tử gửi đến hãng tin AFP rằng với tính phức tạp và bấp bênh của tình hình hiện tại, “như một biện pháp phòng ngừa”, Bộ Ngoại giao NaUy “sẽ không xử lý bất kỳ một đề nghị mới nào về xuất khẩu các thiết bị quốc phòng hay các thiết bị có mục đích đa sử dụng sang Thổ Nhĩ Kỳ”.

Vẫn chưa rõ Mỹ sẽ hành động thế nào với chiến dịch đánh vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chuyên gia Nile Gardiner - Giám đốc Trung tâm Margaret Thatcher thuộc Quỹ Di sản (Mỹ - nghiên cứu về chính sách công), dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu đánh vào lực lượng YPG mà Mỹ bảo trợ, Nhà Trắng sẽ cần thời gian để đánh giá tình hình.

Một mục tiêu của lực lượng YPG ở đông bắc Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ không kích. Ảnh: AP

Một mục tiêu của lực lượng YPG ở đông bắc Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ không kích. Ảnh: AP

Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen đang soạn thảo một dự luật ngưng hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, và dự kiến sẽ trình lên Thượng viện Mỹ vào đầu tuần tới. Nội dung dự luật theo thông tin từ Fox News là sẽ trừng phạt ông Erdogan và một số quan chức hàng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 9-10, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan thông báo mở màn chiến dịch, Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne tuyên bố nước này “sẽ kêu gọi chú ý vào cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, tác động của nó lên người tị nạn trong khu vực và các nhu cầu nhân đạo ở Syria”. Phần Lan chưa phải là thành viên của NATO nhưng để ngỏ khả năng sẽ gia nhập NATO.

“Chính phủ sẽ không cấp phép xuất khẩu vũ khí thêm sang Thổ Nhĩ Kỳ, hay đến các nước khác đang có hoạt động chiến tranh” - Fox News dẫn lời Thủ tướng Antti Rinne.

Các tay súng Syria được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ di chuyển về thị trấn Tal Abyad ở tỉnh Raqqa (bắc Syria). Ảnh: AP

Các tay súng Syria được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ di chuyển về thị trấn Tal Abyad ở tỉnh Raqqa (bắc Syria). Ảnh: AP

Nói với báo chí ngày 10-10, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông “trông chờ Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự kiềm chế và bảo đảm hành động chừng mực và cân đối ở bắc Syria, tránh tạo thêm sự thống khổ cho người dân”. Ngày 10-10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã tiêu diệt được 229 tay súng YPG và đánh phá 181 mục tiêu của YPG.

“Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta cần tiếp tục sát cánh nhau trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung, là IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo). Chúng ta phải giữ gìn những thành tựu đã có được” - Fox News dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong chiến dịch đánh lực lượng người Kurd ở Syria. Ảnh: AP

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong chiến dịch đánh lực lượng người Kurd ở Syria. Ảnh: AP

Nói với Fox News, chuyên gia Nile Gardiner nhận định “rõ ràng đang có sự bất an gia tăng giữa nhiều thành viên liên quan hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, và khả năng bước đi của NaUy sẽ được các thành viên khác của NATO làm theo”.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chú ý vì các hành động quân sự của mình và sẽ phải chịu trách nhiệm” - theo chuyên gia Gardiner.

Người dân Syria sơ tán sau các cuộc ném bom của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Ras al-Ayn, tỉnh Hasakah (Syria ) ngày 9-10. Ảnh: AFP

Người dân Syria sơ tán sau các cuộc ném bom của Thổ Nhĩ Kỳ ở  thị trấn Ras al-Ayn, tỉnh Hasakah (Syria ) ngày 9-10. Ảnh: AFP

Nhiều chuyên gia khác cũng dự đoán khối NATO vốn rất đoàn kết tới đây sẽ còn xuất hiện thêm chia rẽ.

“Dù là một đồng minh NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không hành động đúng tư cách này và sẽ phải chịu hậu quả vì điều này. Đã đến lúc phải thống nhất chính sách về Thổ Nhĩ Kỳ, với các hành động thật sự của ông Erdogan”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm