Nam Phi tăng gấp 10 lực lượng an ninh, người dân tự vũ trang do bạo loạn kéo dài

Sau khi bạo loạn và cướp phá kéo dài gần một tuần nay, giới chức Nam Phi dự kiến tăng gấp 10 số nhân viên an ninh tại các điểm nóng trong khi nhiều người dân tự vũ trang để bảo vệ tài sản của mình, hãng tin Reuters cho hay.

Dẫn nguồn từ truyền thông địa phương, Reuters cho biết Nam Phi dự định tăng cường lực lượng an ninh tại hai tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng. Cảnh sát và quân đội tại hai tỉnh này đang gồng mình trong sáu ngày qua do tình trạng bất ổn sau vụ bắt giam cựu Tổng thống Jacob Zuma. Khoảng 2.500 nhân viên an ninh đã được tăng cường tại hai tỉnh này.

Trong một video phát trên kênh tin địa phương eNCA, Bộ trưởng Quốc phòng và cựu chiến binh Nam Phi, ông Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho biết bộ này đã trình lãnh đạo Nam Phi yêu cầu triển khai 25.000 nhân viên an ninh tới hai tỉnh trên. 

Lực lượng an ninh bên cạnh hai trụ ATM đã bị đám đông bạo loạn đập phá ở TP Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: AP

Nam Phi đang trải qua giai đoạn bất ổn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Lợi dụng biểu tình, những thành phần quá khích đã đột nhập, cướp bóc và đốt phá nhiều cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, nhà kho… Thực phẩm và nhiên liệu đã cạn kiệt.

Hôm 14-7, nhiều nhóm dân cư đã liên kết lại để bảo vệ các trung tâm thương mại khỏi tay những kẻ cướp phá. Nhiều trường hợp người dân tự vũ trang như ở thị trấn Vosloorus (tỉnh Gauteng), nhiều tài xế xe khách nhỏ tự trang bị súng đã bắn chỉ thiên để cảnh cáo những kẻ quá khích. Bạo loạn đã khiến các tài xế này không thể tiếp tục công việc của mình.

Nhiều nhóm người đeo súng, phần nhiều là cư dân da trắng, đã chặn nhiều con phố ở TP Durban (tỉnh KwaZulu-Natal) để ngăn chặn nạn cướp phá trong khu vực họ sống.

Hơn 1.750 phần tử quá khích đã bị bắt giữ. Hơn 70 người đã thiệt mạng trong sáu ngày qua. Một trong số những người thiệt mạng là một bé trai 15 tuổi ở Vosloorus chết do đạn lạc. Một phóng viên hiện trường của Reuters lưu ý rằng vụ việc này không phải do những tài xế có vũ trang gây ra.

Bạo lực có vẻ đã thuyên giảm ở một số địa phương nhưng ở nhiều nơi khác, các hành vi đốt phá và cướp bóc vẫn tiếp diễn. Nhiều người dân đã bắt đầu dọn dẹp các con phố. Trong khi nhiều người giàu ở Durban đã thuê máy bay nhỏ hoặc trực thăng để rời khỏi thành phố, tránh bị ảnh hưởng do bạo loạn.

Cựu Tổng thống Zuma đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc về tham nhũng, tống tiền, rửa tiền… Tháng trước, cựu lãnh đạo này bị kết án vì không hợp tác với tòa án trong một cuộc điều tra liên quan tới giai đoạn ông này cầm quyền. Ông Zuma bác bỏ tất cả cáo buộc trên.

Tuy nhiên, vụ bắt giam ông Zuma hôm 8-7 được cho là chỉ như giọt nước làm tràn ly. Người dân Nam Phi đang bất mãn do tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp diễn bất chấp sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc apartheid hơn 27 năm trước. Hơn một nửa dân sô Nam Phi sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng thất nghiệp gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bạo loạn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế và chống dịch tại Nam Phi. Riêng tại vùng đô thị eThekwini (bao gồm TP Durban và một số vùng phụ cận), chính quyền ước tính thiệt hại kinh tế đã lên tới 15 tỉ rand (khoảng 23.832 tỉ đồng), chưa kể lượng tài sản bị cướp phá.

Nam Phi đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ ba. Mạng lưới bệnh viện tại nước này bị thiếu hụt trầm trọng thuốc và oxygen y tế. Hầu hết các mặt hàng này được nhập khẩu vào Nam Phi qua Durban.

Nam Phi đã phát hiện hơn 2.236.800 ca nhiễm COVID-19, bao gồm gần 65.600 trường hợp đã không qua khỏi, theo chuyên trang thống kê worldometers.info

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm