Mỹ-Trung ký kết thành công Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Ngày 15-1, tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã chính thức đặt bút ký vào Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, kết thúc một phần trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai cường quốc kinh tế, theo đài NBC News.

Theo thỏa thuận gồm 86 trang này, Bắc Kinh đồng ý mua 200 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai tới, bao gồm 40 tỉ USD cho các mặt hàng nông sản, 77,8 tỉ USD cho sản phẩm dầu khí và 37,9 tỉ USD còn lại cho các dịch vụ tài chính và dịch vụ khác. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết gia tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một số cam kết từ Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AFP

Cụ thể, các chuyên gia lý giải Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chủ yếu bao gồm các cam kết giao dịch hàng hóa từ Trung Quốc và một số cơ chế thực thi mới cho phép Washington có thể áp dụng các hình phạt trong trường hợp Bắc Kinh không đáp ứng như cam kết.

"Hôm nay, chúng ta có một bước tiến quan trọng, một điều chưa từng có trước đây với Trung Quốc, điều đó sẽ đảm bảo thương mại công bằng và có qua có lại" - Tổng thống Trump phát biểu tại lễ ký kết hôm 15-1.

"Chúng ta đang cùng nhau sửa chữa những sai trái của quá khứ" - ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Trump cũng cảm ơn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và bày tỏ sẽ đến thăm Bắc Kinh trong “một tương lai không xa".

Tổng thống Trump có cuộc gặp thân mật với phái đoàn Trung Quốc sau buổi lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: AP

Về phía Trung Quốc, trong bức thư mà Phó Thủ tướng Lưu Hạc đọc sau buổi lễ, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: "Thỏa thuận này tốt cho Trung Quốc, cho Mỹ và cho toàn thế giới".

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 lần này không đề cập đến việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đã áp lên Trung Quốc mà chỉ cam kết không áp thêm các mức thuế mới, theo hãng tin AP

Tổng thống Trump khẳng định sẽ chỉ xóa bỏ thuế quan nếu hai bên có thể thực hiện giai đoạn 2.

"Tôi sẽ để điều đó lại (dỡ bỏ thuế quan). Nếu không có vậy, chúng tôi sẽ chẳng có quân bài nào dùng để thương lượng cả”.  

Đài NBC News dẫn nhận định từ các chuyên gia kinh tế rằng chẳng có bên nào giành chiến thắng trong thỏa thuận giai đoạn 1 này bởi các cam kết thực tế được đưa ra không đủ mạnh.

“Thỏa thuận không bao gồm các vấn đề liên quan đến Huawei, 5G, kiểm soát xuất khẩu hoặc sở hữu công nghệ mới” - ông Jacob Jacob Kirkegaard đến từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với đài NBC News.

“Thỏa thuận cũng không nói gì đến các trợ cấp của Trung Quốc. Đó là thiếu sót lớn. Nếu xem Bắc Kinh như là một đối thủ cạnh tranh công nghệ lâu dài thì rõ ràng sẽ có một lập luận cho rằng Trung Quốc sẽ có biện pháp bảo vệ thông qua các khoản trợ cấp từ nhà nước của họ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm