Myanmar áp đặt thiết quân luật ở một số khu vực

Tình trạng thiết quân luật đã được ban bố ở một số khu vực của Myanmar sau khi hàng trăm ngàn người đã tham gia biểu tình phản đối cuộc chính biến mà quân đội nước này tiến hành hôm 1-2, theo kênh tin Channel News Asia.

Từ ngày 8-2, thiết quân luật có hiệu lực tại bảy thị trấn ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Theo thông báo của bộ phận hành chính tổng hợp Mandalay, người dân bị cấm biểu tình hay tụ tập thành nhóm từ năm người trở lên. Cùng với đó, lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau.

Một thị trấn trong số bảy địa phương trên cho biết thiết quân luật sẽ được áp dụng cho tới khi có thông báo mới. 

Biểu tình hôm 8-2 tại TP Mandalay nhằm phản đối cuộc chính biến mà quân đội Myanmar tiến hành hôm 1-2. Ảnh: AP

"Một số người đang hành xử theo cách đáng lo ngại, có thể gây tổn hại đến sự an toàn của công chúng và của lực lượng thực thi pháp luật. Những hành vi như vậy có thể ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của người dân, lực lượng thực thi pháp luật và sự tồn tại trong yên bình của các làng xã và có thể gây ra bạo loạn" - thị trấn trên lý giải về việc áp đặt thiết quân luật.

Quyết định tương tự cũng đã được đưa ra ở một thị trấn của vùng Ayeyarwaddy ở ven biển phía đông Myanmar. Theo Channel News Asia, nhiều địa phương khác cũng dự kiến áp đặt thiết quân luật tại một số khu vực.

Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 8-2020, nhiều lực lượng đối lập đưa ra các cáo buộc gian lận bầu cử, song ủy ban bầu cử quốc gia bác bỏ các cáo buộc trên.

Ngày 1-2, quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự của nước này, ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và lập ra chính quyền mới.

Bà Suu Kyi đang bị tạm giữ để phục vụ việc điều tra cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp một số thiết bị thông tin liên lạc.

Hàng trăm ngàn người dân đã đổ xuống đường biểu tình tại nhiều địa phương trong khắp cả nước Myanmar. Chính quyền quân sự được đánh giá là đã kiềm chế, không sử dụng vũ khí sát thương đối phó với các đoàn người biểu tình. Tuy nhiên, vòi rồng đã được sử dụng để giải tán một số nhóm biểu tình ở thủ đô Naypyidaw.

Nhiều cuộc biểu tình cũng nổ ra ở các cộng đồng người Myanmar sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Lãnh đạo nhiều nước đã lên án quyết định của quân đội Myanma, gọi hành động này là đảo chính và kêu gọi thả tự do cho bà Suu Kyi. Mỹ còn đe dọa trừng phạt Myanmar. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm