Mỹ: Sri Lanka còn nguy cơ nổ bom, có thể liên quan al-Qaeda-IS

Sri Lanka, một đảo quốc nhỏ ở Nam Á, đang phải oằn mình trong bạo lực tôn giáo. Số người chết vì tám vụ đánh bom tại hàng loạt nhà thờ và khách sạn ở thủ đô Colombo và một số địa phương khác trong ngày lễ Phục Sinh 21-4 đã tăng lên gần 300 người, trong đó có gần 40 người nước ngoài, và khoảng 500 người bị thương.

Lo lắng chưa dừng lại khi không chỉ những nhà chức trách Sri Lanka mà cả Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo đảo quốc Nam Á này vẫn còn nguy cơ tiếp tục bị đánh bom, hãng tin Reuters cho biết.

Mỹ cảnh báo khủng bố đang nhắm đến Sri Lanka

Trong ngày 22-4, cảnh sát đã phát hiện tổng cộng 87 ngòi nổ ở trạm xe buýt chính của Colombo. Một thiết bị nổ đã phát nổ gần một nhà thờ trong khi đội rà phá bom cố gắng vô hiệu hóa nó.

Đặc nhiệm rà phá bom kiểm tra một điểm nổ bom gần một nhà thờ ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4. Ảnh: REUTERS

Đặc nhiệm rà phá bom kiểm tra một điểm nổ bom gần một nhà thờ ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các nhóm khủng bố đang lên kế hoạch tấn công Sri Lanka và các mục tiêu có thể là các điểm du lịch, nhà ga, trung tâm mua sắm, khách sạn, địa điểm tôn giáo, sân bay.

Ngày 22-4, chính phủ Sri Lanka đã quyết định ban hành lệnh khẩn cấp để đối phó nguy cơ này. Lệnh khẩn cấp cho phép cảnh sát và quân đội bắt giữ và thẩm vấn các nghi phạm mà không cần lệnh bắt của tòa án.

Lệnh khẩn cấp có hiệu lực từ đầu ngày 23-4 (giờ địa phương). Trước đó, Sri Lanka cũng áp dụng lệnh giới nghiêm khắp nước, có hiệu lực từ 8 giờ tối 22-4 (giờ địa phương).

Cảnh sát canh gác nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4, một ngày sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát canh gác nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4, một ngày sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Tới lúc này, vẫn chưa tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công ngày 21-4, tuy nhiên nghi ngờ đang tập trung vào các phần tử phiến quân Hồi giáo tại Sri Lanka.

Dân số 22 triệu người của Sri Lanka ngoài số đông theo đạo Phật còn có một bộ phận theo Công giáo, Hồi giáo, và Ấn giáo. Đất nước này nhiều thập niên trước chìm trong cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ với lực lượng ly khai Những con Hổ Tamil, chủ yếu bao gồm những người theo Ấn giáo.

Nhưng bạo lực phần lớn đã chấm dứt sau khi quân chính phủ giành phần thắng trong cuộc xung đột này 10 năm trước.

Theo một tài liệu mà hãng tin Reuters thu thập được, trước khi xảy ra thảm họa ngày 21-4, cảnh sát đã nhận tin báo có thể các nhà thờ sẽ bị nhóm National Thawheed Jama’ut, một nhóm Hồi giáo nhỏ trong nước tấn công.

Người dân sống gần khu vực đặc nhiệm đang kiểm tra, rà phá bom trong một xe tải đậu gần một nhà thờ ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4. Ảnh: REUTERS

Người dân sống gần khu vực đặc nhiệm đang kiểm tra, rà phá bom trong một xe tải đậu gần một nhà thờ ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4. Ảnh: REUTERS

Thông tin tình báo này đề ngày 11-4, cho biết một cơ quan tình báo nước ngoài đã cảnh báo nhà chức trách Sri Lanka về nguy cơ các nhà thờ bị nhóm National Thawheed Jama’ut tấn công. Chưa rõ nhà chức trách Sri Lanka đã có những phản ứng, hành động gì từ thông tin này.

Có thể có bàn tay Al Qaeda hoặc IS

Trong khi đó một người phát ngôn chính phủ Sri Lanka nói có vai trò của một mạng lưới khủng bố nước ngoài trong vụ này.

“Chúng tôi không nghĩ một tổ chức nhỏ có thể làm tất cả những điều này. Chúng tôi đang điều tra sự hỗ trợ quốc tế với họ và các đường dây khác của họ, làm sao họ đào tạo được những kẻ đánh bom tự sát và chế tạo được những quả bom như thế”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Rajitha Senaratne cho biết.

Người dân tập trung trước nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4, một ngày sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Người dân tập trung trước nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 22-4, một ngày sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia chống khủng bố quốc tế cũng cho rằng dù thủ phạm thực hiện các vụ đánh bom là nhóm Hồi giáo nội địa National Thawheed Jama’ut đi nữa thì dựa vào tính chất tinh vi của các vụ đánh bom, không loại trừ khả năng có sự tham gia của các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tính tới thời điểm này, cảnh sát đã bắt giữ 24 người, tất cả đều là công dân Sri Lanka.

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cho biết chính phủ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước để truy ra các đường dây bên ngoài.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và hứa sẽ hỗ trợ đảo quốc này đưa những kẻ thủ ác ra công lý.

“Một điều kinh khủng, quá kinh khủng. Không tưởng tượng nổi. Chúng tôi đang phối hợp với Sri Lanka”, ông Trump trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe trao đổi với truyền thông tại khu vực nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 21-4, không lâu sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe trao đổi với truyền thông tại khu vực nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 21-4, không lâu sau khi nhà thờ này bị đánh bom. Ảnh: REUTERS

Các nhà điều tra cho biết có bảy kẻ đánh bom tự sát tham gia vào các vụ tấn công. Hai trong số đó kích nổ bom trên người tại khách sạn Shangri-la ở Colombo. Năm kẻ còn lại tự kích nổ mình tại hai khách sạn khác và ba nhà thờ.

Hầu hết các vụ nổ bom xảy ra khi các tín đồ Công giáo đang dự lễ Phục Sinh tại các nhà thờ, và khách ở tại các khách sạn đang tập trung ăn sáng.

Thương vong ngoài công dân Sri Lanka còn có công dân các nước Anh, Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Tỉ phú giàu nhất Đan Mạch Anders Holch Povlsen mất ba con trong thảm họa đánh bom này, khi vợ chồng ông đưa bốn người con sang Sri Lanka du lịch và đi lễ nhà thờ nhân lễ Phục Sinh.

Một bà mẹ người Anh và con trai thiệt mạng khi đang ăn sáng tại khách sạn Shangri-la. Năm người Ấn Độ cũng thiệt mạng tại khách sạn này.

Hiện trường một nhà thờ ở TP Negombo (Sri Lanka) bị đánh bom ngày 21-4. Ảnh: REUTERS

Hiện trường một nhà thờ ở TP Negombo (Sri Lanka) bị đánh bom ngày 21-4. Ảnh: REUTERS

Câu hỏi đặt ra là liệu chuyện chính phủ chậm hành động sau khi đã có cảnh báo có dẫn đến xung đột giữa Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe hay không.

Năm ngoái, Tổng thống Sirisena đã sa thải Thủ tướng Wickremesinghe và thay bằng nhân vật đối lập Mahinda Rajapaksa. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó Tổng thống Sirisena buộc phải đưa ông Wickremesinghe trở lại vị trí Thủ tướng vì áp lực từ Tòa án Tối cao.

Quan hệ giữa hai ông Sirisena và Wickremesinghe cho đến giờ vẫn chưa cải thiện, trong khi kỳ bầu tổng thống đang đến gần.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm