Mỹ sẽ ra sao nếu ông Trump không chịu chuyển giao quyền lực?

Với các diễn biến những ngày qua thì hoàn toàn có nguy cơ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không chịu chấp nhận sự thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 2020 và không chuyển giao quyền lực. Nếu điều này xảy ra có thể mở ra một chương đen tối cho nước Mỹ, hãng tin Vox nhận định.

Ngày 6-11, truyền thông thế giới vẫn chưa chính thức xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ dù ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã dẫn trước ông Trump khá sâu. Thời điểm này Vox đã lo ngại về việc một khi thực sự thua ông Biden, ông Trump nhiều khả năng sẽ không muốn rời khỏi Nhà Trắng.

Trưa 7-11 (giờ Mỹ), tức nửa đêm 8-11 (giờ Việt Nam), truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin ông Biden đã thắng ở bang chiến địa Pennsylvania, nhờ đó trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ bất chấp việc đội ngũ tranh cử của ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng "cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc". 

Ứng cử viên đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Trong lịch sử Mỹ, một số ít kỳ bầu cử tổng thống đã kết thúc với những kết quả gây tranh cãi. Ví dụ gần nhất là năm 2000, khi ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush (tức ông Bush "con") thắng ông Al Gore của đảng Dân chủ quá sít sao tại bang Florida, bang này phải kiểm lại phiếu và kéo dài thời gian chờ kết quả.

Dù vậy, chưa có trường hợp nào tổng thống mãn nhiệm không chịu hợp tác tới mức không rời khỏi Nhà Trắng.

Tuy cho rằng ông Trump sẽ nhượng bộ, ngay cả khi có một vụ kiện về kết quả bầu cử, Vox vẫn không loại trừ khả năng có tranh chấp quyền lực ở Nhà Trắng. 

Trong trường hợp chiến thắng của ông Biden quá sít sao, ông Trump được cho là có thể lợi dụng cuộc chiến pháp lý kéo dài về kết quả này để tiếp tục ở lại Nhà Trắng.

Trong trường hợp thứ hai, nếu chiến thắng của ông Biden đã quá rõ ràng và vấn đề chỉ nằm ở ý định của ông Trump thì ông Biden - kể từ sau ngày nhậm chức - sẽ có quyền yêu cầu Cơ quan Mật vụ Mỹ bảo vệ quyền lực cho mình.

Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, ông Trump có thể sẽ ở lại Nhà Trắng cho đến khi có phán quyết của tòa án về kết quả bầu cử. Ông Trump nhiều khả năng sẽ kích hoạt các động thái pháp lý để mong đảo ngược chiến thắng của ông Biden.

Theo Tiến sĩ Lindsay Coh - chuyên gia luật an ninh quốc gia của trường Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ - nếu vụ kiện kéo dài, tống thống mãn nhiệm có thể không chịu nhượng bộ và không rời khỏi Nhà Trắng và sẽ ở lại đây cho tới khi có kết quả chính thức chứ không phải tới ngày tân tổng thống tuyên thệ (ngày 20-1).

Nếu muốn xem xét lại tính hợp lệ của các phiếu bầu mà một số tiểu bang nhận được sau ngày cử chính thức 3-11, đội ngũ tranh cử của ông Trump phải đệ một đơn kiện lên tòa án tiểu bang trước khi vụ việc có thể bị chuyển lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Truyền thông thế giới đặc biệt lưu ý chuyện chính quyền Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ - mới nhất là bà Amy Coney Barrett - vào Tòa án Tối cao. Dư luận cho rằng việc phe bảo thủ chiếm đa số (tỉ lệ 6/3) có thể là lợi thế cho ông Trump.

Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, ông Biden có thể viện dẫn Tu chánh án thứ 20 để yêu cầu Cơ quan Mật vụ Mỹ đưa ông Trump ra khỏi Nhà Trắng.

Theo Hiến pháp Mỹ, "nhiệm kỳ của tổng thống và phó thổng thống sẽ kết thúc vào trưa 20-1" và cũng từ thời điểm này, "nhiệm kỳ của những người kế nhiệm sẽ bắt đầu". 

Ảnh minh họa - Mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ tổng thống (đương nhiệm là ông Donald Trump). Ảnh: QUARTZ

Khi đó, ông Biden cần đọc diễn văn nhậm chức theo đúng Hiến pháp Mỹ. Thông thường, buổi lễ nhậm chức cần có sự hiện diện của tổng thống mãn nhiệm (trong trường hợp này là ông Trump) để tượng trưng cho việc chuyển giao quyền lực.

Kể từ thời điểm nhậm chức, ông Biden sẽ có quyền chỉ đạo Cơ quan Mật vụ Mỹ buộc ông Trump bàn giao ghế tổng thống Mỹ và đối xử với ông Trump giống như bất kỳ người nào khác xâm phạm Nhà Trắng, theo luật sư Barbara McQuade, một người từng làm việc trong Tòa án Quận Đông Michigan.

Có nghĩa là chỉ cần qua buổi trưa 20-11, ông Trump không còn được chào đón ở Nhà Trắng và các đặc vụ của tân tổng thống (lúc đó sẽ là ông Biden) chỉ đơn giản là thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngày 6-11, ông Andrew Bates, phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử của ông Biden, đã ám chỉ khả năng này. Ông Bates cho rằng lúc ông Biden nhậm chức, chính quyền Mỹ có "đầy đủ khả năng" đuổi "kẻ xâm phạm" là ông Trump.

Điểm lưu ý lớn nhất trong trường hợp thứ hai này là quân đội Mỹ sẽ không tham gia vào quá trình buộc tổng thống mãn nhiệm rời Nhà Trắng.

Từ hồi tháng 8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã nói rõ: "Trong trường hợp có tranh chấp về một số khía cạnh của cuộc bầu cử, theo luật định, tòa án và quốc hội Mỹ, chứ không phải quân đội Mỹ, được yêu cầu để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào".

Dù giải quyết được vấn đề chuyển giao quyền lực, việc mật vụ Mỹ buộc phải đưa một cựu tổng thống rời Nhà Trắng sẽ gây ra sự "xấu hổ sâu sắc cho đất nước và đe dọa các giá trị Mỹ", Vox lưu ý.  

Có tin ông Trump 'quyết chiến’
Có tin ông Trump 'quyết chiến’
(PLO)- Tâm trạng ông Trump đang “đen tối” và mấy ngày qua ông dành phần lớn thời gian gọi điện cho các trợ lý yêu cầu họ làm tất cả trong khả năng để ông không thua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm