Mỹ phạt công ty Trung Quốc giao dịch với Iran, Nga chỉ trích

Chính quyền Washington hôm 19-10 đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức có giao dịch với công ty vận tải biển Iran - Shipping Lines (IRISL), giúp công ty này né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết sáu thực thể Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ bao gồm công ty Reach Holding Group, Reach Shipping Lines, Delight Shipping, Gracious Shipping, Noble Shipping và Supreme Shipping.

Danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ còn có ông Eric Chen (còn gọi là Chen Guoping) - Giám đốc điều hành công ty Reach Holding Group và ông Daniel Y. He (còn được gọi là He Yi) - Chủ tịch công ty Reach Holding Group.

Quốc kỳ Trung Quốc và Mỹ được nhìn thấy gần tòa Nhà Trắng ở Washington, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc sáu thực thể trên cung cấp "hàng hóa, dịch vụ quan trọng" được sử dụng liên quan đến lĩnh vực vận chuyển của Iran.

Đồng thời, chính quyền Washington còn cáo buộc Reach Holding Group và Reach Shipping Lines giúp IRISL và các công ty con của họ né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sau khi được đưa vào danh sách đen, tài sản của các cá nhân và công ty này sẽ bị đóng băng theo quyền tài phán của Mỹ và người dân cũng như các công ty Mỹ sẽ bị cấ thực hiện các giao dịch với họ, Reuters đưa tin.

“Hôm nay, chúng tôi nhắc lại lời cảnh báo tới các bên liên quan trên toàn thế giới: Nếu bạn kinh doanh với IRISL, bạn sẽ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt” - Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS

Đáp lại tuyên bố của Mỹ, Phó Đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy nói các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran là sai lầm.

"Mỹ lại phạm thêm một sai lầm nữa khi cố đóng vai 'cảnh sát thế giới', thay thế cho Hội đồng Bảo an LHQ, đây là một hành động không hề được hoan nghênh" - ông Polyanskiy nói.

"Nga vẫn đang và sẽ tiếp tục hợp tác với Iran và Mỹ không có quyền nói chúng tôi hoặc những quốc gia khác phải làm hay không được làm gì. Hãy ngừng tự sỉ nhục mình trong nỗ lực vô nghĩa này đi" - ông Polyanskiy cho hay.

Theo Reuters, đây là biện pháp trừng phạt mới nhất mà Mỹ áp đặt liên quan đến Iran. Trước đó vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà hai quốc gia đã ký kết với năm nước khác gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức. 

Theo thỏa thuận, Tehran cam kết hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy việc được giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Quốc kỳ Iran. Ảnh: SPUTNIK

Bất chấp mọi nỗ lực của Washington kêu gọi khởi động lại các biện pháp trừng phạt, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ lên Iran đã chính thức hết hiệu lực trong ngày 18-10, theo hãng tin Sputnik.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gọi ngày 18-10 là một ngày trọng đại và cho rằng việc nước cộng hòa Hồi giáo này có thể hợp tác quốc phòng trở lại là chiến thắng của cơ chế đa phương, hòa bình và an ninh.

Sau tuyên bố của người đồng cấp Iran, Ngoại trưởng Pompeo cho biết bất kỳ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào bán vũ khí cho Iran sẽ vi phạm quy định của LHQ và bị chính quyền Washington trừng phạt.

"Trong 10 năm qua, các quốc gia đã hạn chế bán vũ khí cho Iran theo lệnh cấm của LHQ. Bất kỳ quốc gia nào thách thức lệnh cấm này sẽ châm ngòi cho những cuộc xung đột và căng thẳng hơn là thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới" - ông Pompeo nói.

Ông Pompeo khẳng định Mỹ sẵn sàng "sử dụng mọi nguồn lực trong nước để trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có liên quan đến các thương vụ mua bán, cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí thông thường với Iran”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm