Mỹ, Nga bất đồng về tương lai của ông Maduro

Cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Nga về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã kết thúc với những khác biệt chưa được giải quyết giữa hai bên về tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro.

Nga khẳng định ông Maduro vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Venezuela, trong khi Mỹ và nhiều nước phương Tây khác ủng hộ ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập Venezuela kiểm soát, là tổng thống lâm thời của nước này.

Tờ The Moscow Times đưa tin cuộc đàm phán giữa Mỹ diễn ra tại thủ đô Rome (Ý) vào ngày 19-3 (tức ngày 20-3 theo giờ VN) và kéo dài trong hai giờ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (trái) và ông Elliot Abrams, đặc sứ Mỹ về Venezuela. Ảnh: RT

“Không, chúng tôi đã không có cùng ý kiến (về vấn đề ông Maduro - PV), nhưng tôi nghĩ các cuộc đàm phán là tích cực theo nghĩa là cả hai bên tỏ ra sự hiểu biết tốt hơn về quan điểm khác của bên kia”, tờ báo dẫn lời ông Elliot Abrams, đặc sứ Mỹ về Venezuela nói với các phóng viên.

Phía Nga cũng cho biết hai bên giờ đã hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau sau cuộc hội đàm ở Rome, nhưng trưởng phái đoàn của Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đưa ra bình luận thẳng thắn hơn.

“Có lẽ chúng tôi đã thất bại trong việc thu hẹp các quan điểm trong tình huống này”, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Ryabkov tuyên bố. “Chúng tôi cho rằng Washington xử trí nghiêm túc các ưu tiên của chúng tôi, cách tiếp cận và cảnh báo của chúng tôi”.

Ông Ryabkov được hãng tin Nga RIA dẫn lời nói rằng cuộc đàm phán là khó khăn nhưng thẳng thắn và Moscow đã cảnh báo Washington không can thiệp quân sự vào Venezuela.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: TASS

Về phần mình, ông Abrams tuyên bố “người có danh hiệu tổng thống” ở Venezuela vẫn là một điểm gây tranh cãi.

Ông gọi các cuộc đàm phán thứ ba là hữu ích, thực chất và nghiêm túc và cho biết cả hai bên đã đồng ý “về chiều sâu của cuộc khủng hoảng”. Thứ trưởng Ryabkov nói rằng Nga ngày càng quan tâm đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.

Vài giờ trước đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty khai thác vàng nhà nước của Venezuela là Minerven và chủ tịch của công ty này, ông Adrian Perdomo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố “mọi lựa chọn đang ở trên bàn” dành cho Venezuela, một quan điểm mà ông Abrams nói rằng phía Nga đã đưa ra tại cuộc họp ở Rome.

Các sĩ quan quân đội cấp cao của Venezuela được coi là những người rất quan trọng giúp ông Maduro duy trì quyền lực khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vốn đã khiến cho tình trạng đói nghèo và dịch bệnh lan rộng, dẫn đến làn sóng rời bỏ tổ quốc của khoảng ba triệu người kể từ năm 2015.

Chính phủ của ông Maduro, vốn vẫn được Nga và Trung Quốc ủng hộ, đã bị cộng đồng quốc tế lên án sau khi ông tái đắc cử vào năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu bị coi là có nhiều khuất tất.

Lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido. Ảnh: REUTERS

Ông Abrams đã trích dẫn các ước tính gần đây rằng trong vài tháng tới, xuất khẩu dầu của Venezuela sẽ giảm xuống dưới một triệu thùng mỗi ngày, và rằng xuất khẩu dầu của nước này hiện đang giảm khoảng 50.000 thùng mỗi tháng.

"Đây là một thảm họa đối với Venezuela," ông Abrams nói.

Abrams không loại trừ một cuộc họp trong tương lai với Nga về cuộc khủng hoảng Venezuela nhưng cho biết chưa ấn định được ngày giờ. Trước đó, cho biết Tổng thống Trump có kế hoạch thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela với các nhà lãnh đạo vùng Caribbean - bao gồm Bahamas, Cộng hòa Dominican, Haiti, Jamaica và Saint Lucia - tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của nhà lãnh đạo Mỹ ở bang Florida vào ngày 22-3.

Căng thẳng giữa Washington và Caracas tăng nhiệt sau khi chính quyền của Tổng thống Trump công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela hôm 23-1. Hơn 50 quốc gia khác cũng đã có động thái tương tự.

Ông Maduro đáp trả bằng việc cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ, trục xuất tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ và triệu hồi các đại diện của họ ở Washington về nước. Mỹ từ đó nhiều lần dọa dùng giải pháp quân sự để hạ bệ ông Maduro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm