Mỹ nêu loạt hậu quả dành cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu mua S-400 của Nga

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua bằng được hệ thống phòng không S-400 từ Nga, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 11-4 đã liệt kê hàng loạt nguy cơ Ankara sẽ đối mặt, theo hãng tin Sputnik.

Ông Palladino nói: "Tôi cho rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã nói việc mua S-400 sẽ tạo ra những rủi ro. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này thường xuyên. Thứ nhất, việc Thổ Nhĩ Kỳ mập mờ quyết định sắp tiếp nhận hệ thống S-400 sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới chương trình chuyển giao và các hoạt động liên quan tới khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng lại ngay".

Tiếp đến, ông Palladino dẫn lời ông Pence nói rằng "Mỹ sẽ không để yên chuyện các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua vũ khí từ đối thủ của Mỹ". Ngoài ra, Washington cũng cảnh báo hậu quả mà Ankara phải hứng chịu một cách rõ ràng và mạnh mẽ.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK

"Thứ hai, chúng tôi đã cảnh báo rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ về việc thương vụ mua hệ thống S-400 có thể sẽ dẫn tới hậu quả đánh giá lại chương trình F-35. Thứ ba, chúng tôi cũng thường xuyên nói rằng việc mua S-400 sẽ làm tăng nguy cơ khiến Mỹ đưa ra hành động với Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA). Cuối cùng, chúng tôi đang xem xét khả năng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400, họ sẽ không có hệ thống phòng không Patriot. Đây là những rủi ro đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng tôi đã thảo luận trong thời gian dài và sẽ tiếp tục thảo luận", ông Palladino kết luận.

Tuy nhiên, ông Palladino tránh câu hỏi liên quan tới việc vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối liên minh quân sự NATO có bị ảnh hưởng vì thương vụ mua S-400 của Nga hay không. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Tôi không thể đưa ra bình luận nào trong thời điểm hiện tại".

Tuyên bố của ông Palladino được đưa ra chỉ sau vài ngày Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định thương vụ mua S-400 của Nga đã hoàn tất và có thể được giao tới Thổ Nhĩ Kỳ sớm hơn so với kế hoạch là vào tháng 7 này.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hồi đầu tuần này nói rằng thật vô lý khi đặt câu hỏi về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO về thỏa thuận S-400 và nói rõ rằng Ankara sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ Washington.

Ông Cavusoglu ngày 10-4 cho hay Ankara có thể ký thêm một thỏa thuận với Moscow về việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất nếu Mỹ từ chối cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho nước này. Ankara có khả năng tiếp cận các nước khác trên thế giới để ngỏ ý đặt hàng nếu Mỹ nói không với việc giao tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm mới nhất F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía Nga, hãng Sputnik mới đây dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay hiện tại không có thảo luận về việc sản xuất chung các hệ thống tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có thể một số thành phần sẽ được sản xuất chung.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: AFP

Tuyên bố được ông Peskov đưa ra trong cuộc họp báo hôm 11-4 khi được hỏi về khả năng Moscow và Ankara sản xuất chung hệ thống rồng lửa S-400: "Không thể nói về việc sản xuất chung tất cả các bộ phận S-400, bởi đây là những loại vũ khí mới. Nhưng, tất nhiên, chúng ta có thể nói về việc sản xuất một số thành phần. Công việc sản xuất một số thành phần này sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Peskov nói.

Lựa chọn khó khăn của ông Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện giờ đối mặt với một lựa chọn mà kết quả có thể đem đến những hậu quả lớn về mặt đối ngoại lẫn kinh tế, theo kênh CNBC.

Ông Erdogan có thể rút lại thương vụ mua hệ thống S-400 của Nga để tiếp nhận hệ thống vũ khí của Mỹ, hoặc khước từ các yêu cầu của Mỹ và không tham gia nữa chương trình tiêm kích tàng hình F-35.

 “Quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này sẽ là điều mà thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ. Bất kỳ dấu hiệu gia tăng căng thẳng nào với phía Mỹ cũng sẽ đặt tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ lên bàn cân”, Shamaila Khan- nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại AllianceBernstein, nói với CNBC.

Ankara đã ký với Nga một hợp đồng mua S-400 trị giá 2,5 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng dành ra 1,25 tỉ USD tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình đắt nhất của Mỹ F-35. Lầu Năm Góc tuần trước thông báo dừng chuyển giao các thiết bị liên quan tới F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này không dứt khoát quyết định có từ bỏ S-400 hay không.

Chuyên gia Agathe Demarais làm việc tại Đơn vị Tình báo Kinh tế nhận định: “Nếu quan hệ Mỹ-Thổ xấu đi lần nữa, khả năng đồng lira có thể mất giá mạnh so với các loại tiền tệ lớn khác”.

Ba biến thể của tiêm kích tàng hình F-35 ở căn cứ không quân Edwards, bang California, Mỹ. Ảnh: CNBC

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy thoái, rung chuyển vào năm ngoái chủ yếu do các lo ngại về định hướng gia tăng quyền kiểm soát chính sách tiền tệ của Tổng thống Erdogan. Đồng lira mất 36% giá trị so với đồng USD trước cuối năm 2018.

 “Trong bối cảnh đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng tránh đụng độ với Mỹ do lo kích hoạt một cuộc khủng hoảng tiền tệ khác mà ngành ngân hàng không thể chống đỡ được”, ông Demarais nói.

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ hưởng lợi từ chương trình F-35. Tuy nhiên, ông Erdogan nhiều lần đưa ra tuyên bố rằng sẽ không rút lại thương vụ S-400. Những tuyên bố này được thúc đẩy do sự phụ thuộc của Ankaran vào sự chấp thuận của Moscow về các hành động của họ ở Syria. Một phần lý do khác là ông Erdogan muốn trong nước thấy rằng ông không hề nhún nhường trước sức ép từ Mỹ.

Amanda Sloat, cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách Thổ Nhĩ Kỳ nói với CNBC rằng ngoài tìm kiếm hệ thống vũ khí có giá tốt nhất, Tổng thống Erdogan còn nhìn thấy lý do mang tính địa chính trị để giải thích cho việc mua S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào Nga để đạt được kết quả thuận lợi trong chiến dịch ở Syria mà Ankara thực hiện.

Dù Quốc hội Mỹ chặn bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Lầu Năm Góc cũng nói các cuộc đối thoại với Ankara về chương trình F-35 vẫn tiếp tục. Tuần trước, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hy vọng Lầu Năm Góc sẽ chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ miễn sao nước này sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

“Trái bóng ở bên sân của Thổ Nhĩ Kỳ với một lựa chọn khắc nghiệt giữa hai lối đi”, bà Sloat đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm