Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ ở lại NATO nhưng kèm điều kiện

Theo hãng tin TASS, trong một cuộc họp trước thềm diễn ra hội nghị các ngoại trưởng của NATO ngày 3 và 4-4 ở Washington, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tránh trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có bị gạt ra khỏi NATO nếu mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga hay không.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Thay vào đó, bà Hutchison cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh rất quan trọng. Họ là một đồng minh. Họ cũng mang gánh nặng trong các sứ mệnh của NATO. Họ là một quốc gia có lực lượng tham gia sứ mệnh của NATO ở Afghanistan và tham gia tất cả sứ mệnh của chúng tôi, họ bắt đầu từ NATO. Vì vậy, chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ ở lại khối liên minh này. Chúng tôi muốn họ không sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga trong khi đất nước họ lại không thể tương kết với NATO”.

Đại sứ Mỹ nói thêm: “Mỹ rất quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có được tiêm kích tàng hình F-35 của chúng tôi đồng thời sở hữu luôn hệ thống S-400 của Nga bởi vì có thể có sự chuyển giao thông tin, hệ thống liên lạc. Đó là vấn đề nghiêm trọng”.

Trong khi đó, tướng Curtis Scaparrotti – Tư lệnh Tối cao NATO và là Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ đổi ý về việc mua hệ thống S-400 của Nga, kênh ABC News cho biết.

“Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói thỏa thuận S-400 đã hoàn tất, song cá nhân tôi nghĩ thỏa thuận đó chưa xong”, ông Scaparrotti nói.

Vị tướng trên của Mỹ thêm rằng kế hoạch mua S-400 của Ankara vượt quá khuôn khổ trong mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Scaparrotti, S-400 rồi cũng sẽ nằm trong hệ thống phòng không đã được tích hợp của NATO.

Ông tin rằng việc vận hành một hệ thống do Nga sản xuất gần với máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất đem đến cơ hội tuyệt vời để phân tích máy bay này cũng như khả năng của nó.

“Tôi không có ý nói Thổ Nhĩ Kỳ không đáng tin, chỉ là tôi cho rằng anh có thể đem đến rủi ro cho hệ thống của chúng tôi”, ông nói.

Các cuộc đàm phán về thương vụ mua hệ thống S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt đầu từ tháng 11-2016. Phía Nga xác nhận hợp đồng được ký vào ngày 12-9-2017. Với thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell hồi tháng 6 năm ngoái cho hay hợp đồng mua S-400 từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy nghiêm trọng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn tới lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng chính phủ Mỹ vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35. Tuy nhiên, để có được điều này, Ankara phải từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga. Ông Shanahan thêm rằng Washington đang cố thuyết phục Ankara mua hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ thay vì hệ thống của Nga.

Washington mới đây đã đình chỉ việc bàn giao những thiết bị phụ tùng tiêm kích F-35 cho Ankara và các hoạt động liên quan cũng đã bị dừng. Trước đó, hai nguồn thạo tin giấu tên cũng cho biết Lầu Năm Góc đã hủy kế hoạch chuyển giao các lô thiết bị của F-35 cùng thiết bị huấn luyện sử dụng dòng chiến đấu cơ này cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Shanahan tự tin rằng Ankara sẽ lựa chọn các khí tài của Washington và từ bỏ thương vụ mua tên lửa phòng không S-400 của Moscow.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm