Mỹ muốn bỏ bằng sáng chế vaccine nhưng lo Nga-Trung vượt mặt

Mỹ đang thận trọng với kế hoạch từ bỏ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 vì lo ngại quyết định này có thể khiến các công nghệ sinh dược nhạy cảm rơi vào tay Nga và Trung Quốc, hãng tin Reuters ngày 9-5 cho hay.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5-5 đã tuyên bố ủng hộ sáng kiến đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 để giúp thúc đẩy phân phối vaccine cho các nước nghèo.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lo ngại động thái này có thể làm xói mòn vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh về công nghiệp sinh dược với Trung Quốc và Nga. 

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech (phải) và của Moderna (trái) là hai trong số các vaccine Mỹ đã được WHO phê duyệt. Ảnh: STAT NEWS

Một quan chức trong chính quyền ông Biden cho rằng dù ưu tiên bảo vệ sinh mạng người dân trên toàn cầu, Mỹ “muốn xem xét ảnh hưởng của việc từ bỏ (bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19) lên Trung Quốc và Nga trước khi quyết định từ bỏ bằng sáng chế này có hiệu lực”.

Một tài liệu lưu hành nội bộ mà Reuters tiếp cận được cũng cho thấy những lo ngại trước nguy cơ việc chia sẻ bằng sáng chế vaccine có thể làm tổn hại lợi thế cạnh tranh của Mỹ so với Trung Quốc. Theo tài liệu này, một số cơ quan tại Washington có quan điểm trái chiều về cách giải quyết mối lo ngại trên.

Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chưa có bình luận về thông tin này.

Trong khi đó, giám đốc điều hành của hãng dược Mỹ Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng việc dở bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 có thể dẫn tới gián đoạn các nỗ lực gia tăng nguồn cung vaccine.

Quyết định từ bỏ bằng sáng chế sẽ dẫn tới cuộc cạnh tranh về vật phẩm phục vụ sản xuất vaccine khi “các đơn vị có ít hoặc không có kinh nghiệm trong sản xuất vaccine” có thể đổ tiền mua các nguyên liệu thô dù không đủ khả năng sản xuất ra vaccine ngừa COVID-19 “an toàn và hiệu quả”, trong khi các công ty sáng chế ra vaccine hay có đủ năng lực sản xuất thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô - ông Bourla giải thích.

Pfizer là đơn vị đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không giúp ích cho các nước nghèo hơn, theo đài RT.

Ông Michel cho rằng "trong ngắn hạn", việc từ bỏ bằng sáng chế không phải "viên thuốc thần". Thay vào đó, châu Âu kêu gọi các nước "tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu vaccine".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm