Mỹ, EU tố Belarus 'bắt cóc' máy bay dân dụng, dọa trừng phạt

Mỹ và châu Âu kịch liệt lên án việc Belarus bắt một người bị chính quyền Minsk coi là "khủng bố" sau khi dùng lý do có thông tin đe dọa đánh bom để buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp, tờ The New York Times đưa tin.

Ngày 23-5, Belarus đã yêu cầu chuyến bay mang số hiệu FR4978 của hãng Ryanair - khởi hành từ sân bay quốc tế Athens (Hy Lạp) tới sân bay quốc tế Vilnius (Lithuania) - phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Minsk.

Hãng hàng không Ryanair cho biết máy bay của họ được yêu cầu hạ cánh khẩn cấp sau khi nhân viên mặt đất tại Belarus thông báo về "một mối đe dọa an ninh tiềm tàng trên máy bay". 

Lực lượng an ninh Belarus kiểm tra liệu có bom trên huyến bay FR4978 (hãng Ryanair) hay không sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp ở Minsk. Ảnh: AFP

Còn theo hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Lina Beisiene của công ty sân bay quốc gia Lithuania nói rằng giới chức Vilnius không nhận được thông tin nào về mối đe dọa đánh bom. Bà Beisiene cho biết máy bay hạ cánh vì mâu thuẫn giữa một hành khách và một thành viên phi hành đoàn, song không tiết lộ chi tiết vụ việc.

Máy bay hạ cánh an toàn ở Belarus và không phát hiện vật liệu nổ nào. Máy bay đã rời khỏi Minsk và hạ cánh ở Vilnius ngay trong ngày 23-5. Cơ quan điều tra Belarus đã mở cuộc điều tra hình sự về lời cảnh báo giả này.

Giới chức Belarus cho biết một hành khách trên chuyến bay FR4978 là ông Roman Protasevich - người đã bị truy tố tại Belarus hồi năm ngoái - đã bị bắt tại sân bay Minsk.

Ông Protasevich, cùng với ông Stepan Putilo, là đồng sáng lập một tài khoản bị liệt vào danh sách "cực đoan" tên Nexta trên mạng xã hội Telegram. Hồi tháng 2, Belarus liệt tên hai người này vào danh sách các phần tử có liên hệ với khủng bố.

Cùng ngày 23-5, hãng thông tấn Belarus BelTA dẫn tin từ một tài khoản Telegram thân thiết với giới lãnh đạo nước này, cho biết đích thân Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ra lệnh sân bay Minsk tiếp nhận chuyến bay hạ cánh khẩn cấp này.

Cũng theo nguồn tin này, một tiêm kích MiG-29 của quân đội Belarus đã được điều đến hộ tống ngay từ lúc chiếc máy bay của hãng Ryanair buộc phải chuyển hướng tại TP Lida (Belarus) - cách Minsk 168 km về phía tây và cách TP Vilnius khoảng 90 km về phía nam. 

Chuyến bay FR4978 từ Hy Lạp đến TP Vilnius (Lithuania - điểm màu đen) bị chuyển hướng tới sân bay Minsk (Belarus - điểm màu đỏ). Ảnh: NYT/FLIGHTRADAR24

Một hành khách trên chuyến bay FR4978 chia sẻ với hãng tin AFP rằng ngay khi biết máy bay buộc phải hạ cánh ở Minsk, ông Protasevich đã "không la hét" nhưng "rất sợ hãi" và hiểu được bản thân phải đối mặt với bản án mà tòa án Belarus sẽ tuyên.

Mỹ, châu Âu và các tổ chức quốc tế lên án, đòi điều tra, dọa trừng phạt

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda yêu cầu các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản ứng ngay lập tức. Ông Nauseda gọi đây là một vụ "bắt cóc máy bay" và là "cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ" nhắm vào ngành hàng không dân dụng quốc tế, đồng thời yêu cầu Belarus ngay lập tức thả ông Protasevich. 

Nhiều năm qua, ông Protasevich đã sống lưu vong ở Lithuania. Giới chức Hy Lạp cho biết hôm 23-5, ông Protasevich đang trên đường về Vilnius sau khi tham dự một hội nghị kinh tế ở Hy Lạp cùng nhân vật đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaya - người cũng đang sống lưu vong. 

Ông Roman Protasevich (ở giữa, mặc áo khoác đen và quấn khăn quàng cổ) bị lực lượng an ninh Belarus bắt một lần vào năm 2017. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Hy Lạp gọi vụ việc này là hành vi "không tặc" do nhà nước thực hiện. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gọi đây là "hành động khủng bố nhà nước". Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố Belarus phải nhận "hậu quả rõ ràng" cho hành vi này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi EU "phản ứng thống nhất và kiên quyết" trong vấn đề này.

Ngoại trưởng Cộng hòa Czech cho biết bộ ngoại giao nước này sẽ triệu tập Đại sứ Belarus tại Prague tới để trao công hàm phản đối vụ việc liên quan tới chuyến bay hôm 23-5 của hãng Ryanair.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Chúng tôi kịch liệt lên án hành vi trơ trẽn và gây sốc của chính quyền ông Lukashenko nhằm chuyển hướng một chuyến bay thương mại và bắt một nhà báo (cách mà phương Tây gọi ông Protasevich - PV). Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế và đang phối hợp với các đối tác của chúng tôi trong các bước tiếp theo."

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) "hết sức quan ngại" trước hành động của Belarus. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã kêu gọi điều tra vụ máy bay buộc phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp này.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde - người đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - cũng yêu cầu Belarus trả tự do cho ông Protasevich. Đại diện của OSCE "quan ngại sâu sắc" trước hành động "liều lĩnh và hoàn toàn không thể chấp nhận được" của Belarus.

Trong hai ngày 24-5 và 25-5, các lãnh đạo EU sẽ tham gia một hội nghị đặc biệt dưới hình thức trực tuyến để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quan hệ với Nga và quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche sau khi Anh rời khỏi khối này.

Người phát ngôn Hội đồng châu Âu Barend Leyts cho biết các lãnh đạo châu Âu sẽ thêm vụ việc liên quan tới chuyến bay FR4978 vào chương trình nghị sự ngay trong ngày 24-5.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi việc máy bay của hãng Ryanair phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp ở Belarus là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và cho rằng hành vi này "phải bị trừng phạt". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm