Mỹ dự định rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở với Nga

Tổng thống Donald Trump hôm 21-5 cho biết ông dự định sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước Bầu trời mở với Nga, một hiệp ước quốc phòng quan trọng được lập ra để cải thiện tính minh bạch và niềm tin giữa hai nước, theo tờ The New York Times.

Ông Trump dự tính sẽ thông báo cho Moscow việc rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở mà Mỹ và Nga cùng tham gia ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm tránh xảy ra thêm xung đột giữa các nước.

Tờ The Times cho biết động thái này có thể là bước chuẩn bị cho việc Washington rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược START mới, vốn được thiết lập nhằm hạn chế số lượng tên lửa hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể triển khai.

Tổng thống Donald Trump hôm 21-5 cho biết ông dự định sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước Bầu trời mở với Nga. Ảnh: Reuters

Theo kênh Channel News Asia, Mỹ dần trở nên thất vọng khi Nga không tuân thủ hiệp ước và không cho phép máy bay Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát qua các khu vực mà Washington tin rằng Moscow đang triển khai vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi cấm Mỹ và các nước khác không được bay qua TP Kaliningrad gần khu vực Biển Baltic.

"Nga cũng từ chối cho phép máy bay Mỹ bay qua các khu vực tập trận quân sự của họ. Tôi thật sự đang rất lo lắng về mức độ tuân thủ hiệp ước của Nga. Vấn đề này rất quan trọng đối với nhiều nước đồng minh NATO, vì tất cả chúng tôi đều có quyền để thực hiện các chuyến bay giám sát ấy" - ông Esper nói.

Theo The New York Times, chuyến bay giám sát của Nga qua khu nghỉ dưỡng kèm sân golf của Tổng thống Trump ở bang New Jersey cách đây ba năm đã khiến ông không hài lòng.

Chuyến bay giám sát của Nga qua khu nghỉ dưỡng kèm sân golf của Tổng thống Trump ở bang New Jersey ba năm trước đã khiến ông không hài lòng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Helsinki Alcee Hastings - Hạ nghị sĩ Mỹ cho biết việc chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có nguy cơ làm suy yếu an ninh khu vực Đại Tây Dương.

"Thời điểm đưa ra quyết định thiếu sáng suốt này rất gần với cuộc bầu cử Mỹ làm tôi thấy rất khó chịu" - ông Hastings nói. 

"Tôi kêu gọi chính quyền xem xét lại và thay vào đó thảo luận thêm với Quốc hội để tăng gấp đôi hỗ trợ từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đặc biệt tìm cách để bảo đảm việc gia hạn Hiệp ước START mới" - ông Hastings nêu ý kiến.

Ông Hastings cho biết việc Tổng thống Trump muốn chấm dứt các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có đã làm giảm tính minh bạch và khả năng dự đoán tương lai ở châu Âu vào thời điểm mà sự lãnh đạo của nước Mỹ là cần thiết nhất.

"Hiệp ước Bầu trời mở đã củng cố an ninh khu vực Đại Tây Dương trong nhiều thập niên qua và luôn có được sự hỗ trợ lưỡng đảng vì những đóng góp của nó cho an ninh đất nước chúng ta và các đồng minh của Mỹ" - ông Hastings cho biết thêm.

Nói về dự định này của ông Trump, Thượng nghị sĩ Edward J. Markey và Hạ nghị sĩ Jimmy Panetta đã đưa ra điều luật mới nhằm ngăn ông Trump và các tổng thống khác trong tương lai có thể tự ý rút Mỹ khỏi các điều ước quốc tế mà chưa được Quốc hội phê chuẩn.

Ông Markey cho rằng việc liều lĩnh rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở sẽ cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế tiềm lực quân đội Nga, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong tương lai gần.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga - ông Leonid Slutsky, khi bình luận về dự định của Mỹ, nhấn mạnh Nga sẽ có kế hoạch đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Ông này nói động thái của Washington là "một sự phá hoại có thể gây nguy hiểm cho hệ thống an ninh quân sự ở châu Âu".

"Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một quyết định mang tính hủy diệt gây nguy hiểm cho nền an ninh quân sự châu Âu. Đây sẽ là một bước đi nữa của chính quyền Mỹ làm phá hủy các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng giữa hai bên, sau sự sụp đổ của Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)" - ông Slutsky nhận định.

Tháng 8 năm ngoái, Washington và Moscow đã cùng tuyên bố ngừng tuân thủ hiệp ước INF và đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận này.

Tuy vậy, Tổng thống Trump cũng nói thêm rằng hiệp ước này có thể được xem xét tái hoạt động trở lại, hoặc được thay thế bằng một thỏa thuận mới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21-5 cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ rời khỏi Hiệp ước Bầu trời mở trong vòng sáu tháng nhưng vẫn có thể xét lại quyết định này nếu "Nga tuân thủ hoàn toàn trở lại" với các điều khoản, đồng thời tuyên bố rằng Nga đã "vũ khí hóa" hiệp ước bằng cách biến nó thành một công cụ để đe dọa".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova, cho biết hiện Moscow chưa nhận được thông báo chính thức từ Mỹ. Bà cũng lưu ý rằng "những lời phát ngôn công khai là không đủ để đưa ra kết luận chính thức về ý định của Mỹ".

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết giữa Nga, Mỹ và 32 quốc gia khác từ năm 2002, đa phần là các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hiệp ước cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn, không vũ trang, trên toàn bộ lãnh thổ nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự.

Ý tưởng về việc các quốc gia càng biết nhiều về hoạt động quân sự của nhau sẽ đảm bảo xung đột ít xảy ra hơn giữa các nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm