Mỹ đòi điều tra và cải cách WHO ngay, không chờ

Ngày 22-5, Mỹ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay lập tức bắt đầu điều tra việc WHO phản ứng đại dịch cũng như về nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19, kênh CNA đưa tin.

Ngày 22-5, ban điều hành của WHO có 34 nước thành viên, trong đó có Mỹ đã tổ chức một cuộc họp kéo dài 3 giờ.

Tại cuộc họp, Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ - ông Brett P Giroir trình một tuyên bố bằng văn bản, trong đó viết: “Như Tổng thống Trump đã làm rõ trong bức thư gửi Tổng Giám đốc Tedros (Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - PV) ngày 18-5, không có thời gian để lãng phí và phải bắt đầu công việc cải cách cần thiết để đảm bảo một đại dịch như thế này không bao giờ xảy ra nữa”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trên cùng bên trái) và các lãnh đạo tham dự kỳ họp trực tuyến Đại hội đồng Y tế Thế giới đầu tuần này. Ảnh: AFP

Trong bức thư gửi đến Tổng Giám đốc WHO Tedros đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ ngừng vĩnh viễn hỗ trợ nếu WHO không cải thiện trong vòng 30 ngày, thậm chí sẽ xem xét rút tư cách thành viên của Mỹ.

“Chúng tôi tán thành lời kêu gọi thực hiện một cuộc xem xét công bằng, độc lập và toàn diện cùng với sự tham vấn của các nước thành viên và đề nghị bắt đầu công việc này ngay lúc này” - ông Giroir tuyên bố tại cuộc họp ngày 22-5.

Ông Giroir muốn nói đến một nghị quyết do Liên minh châu Âu giới thiệu và được 194 nước thành viên WHO thông qua, kêu gọi tổ chức một cuộc đánh giá toàn diện “vào thời điểm sớm nhất và thích hợp nhất”.

“Sự xem xét này sẽ đảm bảo chúng ta có được sự hiểu biết toàn diện và minh bạch về nguồn gốc virus, về tiến trình thời gian của các sự kiện, diễn biến và về tiến trình ra quyết định của WHO trong việc phản ứng với đại dịch COVID-19” - ông Giroir nói.

Theo ông Giroir, khi khôi phục kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới vào mùa thu tới, WHO phải xử lý kết quả của việc xem xét lại tiến trình, cải cách để củng cố tổ chức này, “bao gồm khả năng cho Đài Loan gia nhập như một quan sát viên”.

Đài Loan đã vận động rất tích cực để có thể trở thành một quan sát viên tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới kéo dài hai ngày trong tuần rồi. Và dù được Mỹ, Nhật và nhiều nước khác ủng hộ mạnh nhưng Đài Loan vẫn không được WHO mời dự vì gặp sự phản đối của Trung Quốc - vốn vẫn xem lãnh thổ này là một tỉnh của mình.

Phần mình, trong tuần này ông Tedros và nhiều quan chức hàng đầu WHO khẳng định sẽ có một cuộc điều tra và giải trình và nhận trách nhiệm trong cách tổ chức này phản ứng đại dịch nhưng việc đó sẽ được thực hiện sau khi tình hình khẩn cấp y tế này qua đi.

Ông Tedros nói WHO đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ khi virus gây dịch COVID-19 xuất hiện, đã thông báo về sự tiến triển của dịch cũng như cung cấp các cảnh báo về kỹ thuật đến mọi nước thành viên.

“WHO đã làm việc cả ngày lẫn đêm nhằm phối hợp phản ứng toàn cầu ở cả ba cấp độ của tổ chức, đưa ra cảnh báo kỹ thuật, tạo xúc tác cho sự đoàn kết chính trị, huy động nguồn lực, phối hợp nguồn lực và nhiều nữa” - ông Tedros nói.

Tính tới thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã làm hơn 5,1 triệu người nhiễm trên toàn cầu, trong đó đã có hơn 332.000 người tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm