Mỹ công bố mô hình phân tử 3D đầu tiên về virus COVID-19

Các nhà khoa học Mỹ công bố đã tạo ra sơ đồ phân tử 3D đầu tiên về một phần của chủng virus COVID-19 gây dịch viêm đường hô hấp cấp, báo South China Morning Post ngày 20-2 đưa tin.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Texas và Viện Y tế Quốc gia Mỹ lần đầu tiên đã nghiên cứu mã di truyền của chủng virus mới, trở thành một bước quan trọng trong việc phát triển vaccine và phác đồ điều trị dịch bệnh nguy hiểm này.

"Protein dằm" trong mô hình phân tử 3D của virus COVID-19. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu được Trung Quốc công khai và phát triển mẫu virus tương tự, từ đó nghiên cứu và xây dựng cấu trúc "protein dằm" (các nhánh nhỏ thuộc lớp màng bọc của virus).

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Science uy tín của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS).

"Protein dằm" thực sự là kháng nguyên mà chúng tôi muốn đưa vào trong cơ thể người để làm mồi phản ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể để khi phát hiện ra virus thật, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ sẵn sàng và tấn công chúng" - một nhà khoa học thuộc nhóm người cứu, ông Jason McLellan, nói.

Ông còn cho biết thành công này một phần nhờ vào quá trình nghiên cứu lâu năm của nhóm về họ virus Corona như virus gây dịch viêm đường hô hấp cấp nặng SARS hay virus gây dịch viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS.

Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết mẫu "protein dằm" sẽ tiếp tục được thử nghiệm như một loại vaccine tiềm năng.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giới khoa học phát triển các loại protein mới có thể liên kết với các phần khác nhau của các nhánh nhỏ trên bề mặt virus và tạo ra thuốc kháng virus.

Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ sơ đồ nguyên tử này cho các đơn vị cộng tác trên khắp thế giới để họ có thể nghiên cứu nâng cao mức độ phản ứng miễn dịch đối với virus COVID-19.

"Đây là một bước đột phá thật sự trong việc hiểu cách virus COVID-19 tìm kiếm và xâm nhập vào các tế bào", nhà nghiên cứu virus Benjamin Neuman tại Đại học A&M Texas, một người không thuộc nhóm nghiên cứu, nhận định.

Ông nói đóng góp của nghiên cứu là đã chỉ ra kích thước và vị trí của các chuỗi phân tử đường được chủng virus này dùng để tránh bị hệ thống miễn dịch của con người phát hiện, từ đó tìm ra cách vô hiệu hóa các chuỗi phân tử này.

Đây là một phát hiện đáng lưu tâm khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Theo thống kê của South China Morning Post, tính đến 9 giờ 30 sáng 20-2, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 75.300 ca nhiễm bệnh và 2.120 người tử vong vì virus COVID-19. Trong khi đó, 14.452 người đã được điều trị thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm