Mỹ chuẩn bị bước vào ‘tuần lễ khó khăn nhất’ với COVID-19

Cứ trung bình hơn một phút có một người chết vì COVID-19 tại Mỹ. Con số này kéo dài liên tục vài ngày qua khiến nước Mỹ trở thành một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Tình hình số ca nhiễm, ca tử vong tăng kỷ lục tại Mỹ diễn ra khi chính quyền các bang cho biết lượng máy thở dành cho bệnh nhân COVID-19 trở nặng đang khan hiếm; đồng thời số lượng người vi phạm các quy định về cách ly đang trở thành bài toán nan giải cho các nhà chức trách.

Tình hình dịch bệnh ngày càng tệ

Các địa phương đang bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là TP New York, bang New Jersey và bang Michigan. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cảnh báo các bang khác như Pennsylvania, Colorado và thủ đô Washington cũng đang trở thành những điểm nóng dịch COVID-19.

Báo The New York Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 4-4 (giờ Mỹ) dự báo số người chết tiếp tục gia tăng và nước Mỹ có thể chuẩn bị bước vào “tuần lễ khó khăn nhất” trong cuộc chiến chống đại dịch. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn tỏ ra lạc quan khi nhắc lại mong muốn: “Tôi muốn đất nước mở cửa trở lại và sẵn sàng làm điều đó vào lễ Phục sinh”.

Tổng thống Trump cho rằng lễ Phục sinh năm nay sẽ là một ngày buồn với người Mỹ nếu họ bị ngăn cấm tụ tập. Ông chủ Nhà Trắng cho biết muốn xem xét nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội cho các dịch vụ lễ Phục sinh, ví dụ như cho phép tiến hành các chương trình nghi lễ đặc biệt tại các nhà thờ. Trước đó (24-3), ông Trump cũng tự tin nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có thể mở cửa trở lại ngay dịp lễ Phục sinh năm nay (tức Chủ nhật tuần này, ngày 12-4).

Nhiều tờ báo ở Mỹ (ngoại trừ hãng tin Fox News) cho rằng sự nhìn nhận lạc quan của Tổng thống Trump là chưa đủ cơ sở. Trong khi đó, giới quan sát nhận định ông Trump đang tỏ ra quá lạc quan về dịch bệnh, mục đích là để trấn an dư luận Mỹ khi tình hình đang trở nên tồi tệ. Thực tế cho thấy đến nay Mỹ chưa cho thấy một chính sách chống dịch mạch lạc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm 4-4. Ảnh: NYT

Loay hoay giải pháp chống dịch

Chính quyền ông Trump đến nay chủ yếu dừng ở việc khuyến cáo và trấn an người dân trong chống dịch. Ý định mở cửa nền kinh tế vào tuần tới, thậm chí xem xét việc tiến hành các chương trình phục sinh tại các nhà thờ của ông Trump cho thấy lãnh đạo Nhà Trắng nhìn nhận dịch bệnh khá đơn giản.

Các phát biểu của ông Trump thậm chí còn mâu thuẫn với phát biểu của BS Deborah Birx, điều phối viên thuộc nhóm chuyên trách ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng. “Hai tuần tới là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng.” Đây là giai đoạn (mà người dân Mỹ) theo BS Deborah Birx, đừng nên ra ngoài, đồng thời “làm mọi thứ tốt nhất mà bạn có thể để đảm bảo an toàn cho gia đình và bạn bè của mình; mọi người đảm bảo giữ khoảng cách 6 feet (trên 1,8 m) và thường xuyên rửa tay sạch sẽ”.

Trước đó (3-4), BS Deborah Birx thừa nhận trên Fox News rằng thời gian đầu, dựa vào dữ liệu từ Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã không thể nắm rõ mức độ lây lan của virus gây bệnh COVID-19. Điều đó khiến Mỹ đã không thể có sự chuẩn bị phù hợp để chống lại dịch bệnh. Nhận định của bà Deborah Birx hoàn toàn khớp với những gì đang xảy ra tại Mỹ, khi giãn cách xã hội không được thực hiện tốt, vật tư y tế (khẩu trang, máy thở, đồ bảo hộ….) đều khan hiếm.

4,4% là tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ vào tháng 3. Trong hai tuần cuối tháng 3, có 10 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, cao kỷ lục từ khi Bộ Lao động Mỹ bắt đầu theo dõi số liệu này (năm 1967) và nhiều gấp khoảng 10 lần so với tuần cao nhất của thời kỳ khủng hoảng tài chính (2007-2009). 

Tổng thống Trump hôm 4-4 cũng tiết lộ chính quyền liên bang đã đặt một lượng lớn thuốc chữa trị bệnh sốt rét, lạc quan rằng có thể dùng để chữa cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, theo The New York Times, đến nay chỉ có các nhận định chủ quan kèm theo một thí nghiệm lâm sàng không đáng kể cho thấy thuốc chữa sốt rét có thể chữa trị hiệu quả dịch bệnh lần này. BS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia (Mỹ), cảnh báo người dân cần thận trọng với việc sử dụng thuốc chữa sốt rét để chữa COVID-19, bởi lẽ có quá ít bằng chứng về công dụng của thuốc, vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ đã không cấp phép cho thuốc sốt rét vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Song song đó, phát ngôn của Tổng thống Trump về hiệu quả của thuốc sốt rét kèm theo thông tin một số nước áp dụng loại thuốc này khiến nhu cầu thuốc chữa sốt rét tăng vọt, nguồn cung bắt đầu trở nên khan hiếm, giá cả leo thang.

Trong chuyện đeo khẩu trang, nhiều quan chức Mỹ cho thấy họ bắt đầu thay đổi quan điểm về việc đeo khẩu trang, nhất là khi chính các chuyên gia y tế Mỹ và phương Tây cũng lên tiếng khuyến cáo về lợi ích của việc đeo khẩu trang đối với người bệnh lẫn không bệnh. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên người dân đeo khẩu trang vải để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại cho rằng điều này được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bản thân tổng thống có lẽ sẽ không đeo khẩu trang.

Dù gần nhất, ông Trump khuyến cáo người dân Mỹ ra đường nên che mặt nhưng động thái của Nhà Trắng cho thấy việc đeo khẩu trang hay các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chỉ dừng ở việc tự nguyện là chính. Bài toán khó khăn nhất cho ông Trump không phải là tìm ra các giải pháp mới, mà là quyết liệt thực hiện và có các công cụ hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tăng cường tối đa hệ thống hạ tầng y tế.

Áp lực lên đường đua tổng thống

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 bắt đầu cao điểm. Dịch COVID-19 đã thay đổi thông điệp và định hướng ứng cử đáng kể của các ứng viên, trong đó ông Trump chịu chỉ trích mạnh vì chủ quan, để dịch hoành hành thời gian qua dù có cảnh báo. Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích truyền thông Mỹ đã gây lo sợ, hoảng loạn cho người dân, mặc dù ông Trump chưa thể giải đáp về số ca nhiễm, tử vong tăng mạnh trong thời gian qua.

Trước đại dịch, ông Trump được cho là có lợi thế lớn khi tỉ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục, tăng trưởng kinh tế tốt. Khảo sát của hãng tin AP và Trung tâm NORC theo đó cho thấy 44% người Mỹ được hỏi cho biết họ hài lòng với cách ông Trump xử lý đại dịch COVID-19. Trong khi đó, chỉ 38% người Mỹ nghĩ rằng chính quyền liên bang đã làm tốt trong cuộc chiến chống đại dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm