Mỹ chỉ trích gay gắt Nga-Trung vì chặn viện trợ cho Syria

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 20-12 bỏ phiếu hai nghị quyết đối lập liên quan tới viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria và không có đề xuất nào nhận được số phiếu ủng hộ cần thiết từ hội đồng gồm 15 nước thành viên này.

Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Nga và Trung Quốc vì động thái của họ phủ quyết một dự thảo nghị quyết được Mỹ ủng hộ về viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria. Ông Pompeo gọi hành động của họ là “đáng xấu hổ”.

Một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh: PRESS TV

“Sự phủ quyết của Liên bang Nga và Trung Quốc ngày hôm qua đối với một nghị quyết của HĐBA, trong đó cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận hàng triệu người Syria, là đáng xấu hổ” - ông Pompeo viết trong một tuyên bố hôm 21-12.

“Đối với Nga và Trung Quốc, những nước đã chọn đưa ra tuyên bố chính trị bằng cách phản đối nghị quyết này, bàn tay họ nhuốm máu” - ông Pompeo viết.

Năm 2014, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 2165 cho phép các đoàn xe nhân đạo tới Syria băng qua bốn chốt điểm biên giới là Bab al-Salam và Bab al-Hawa ở Thổ Nhĩ Kỳ, al-Ya'rubiyah ở Iraq và al-Ramtha ở Jordan. Nghị quyết này sẽ hết hạn vào ngày 10-1.

Đức, Bỉ và Kuwait đã đề xuất một dự thảo nghị quyết sẽ bổ sung một cửa khẩu mới ở Thổ Nhĩ Kỳ và mở rộng các hoạt động xuyên biên giới thêm một năm.

Mỹ ủng hộ nghị quyết này. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết của mình để chặn nghị quyết. Moscow cho rằng nghị quyết không xét đến thực tế tình hình ở Syria, lập luận rằng nghị quyết được Mỹ ủng hộ đe dọa chủ quyền của Syria.

Theo kênh Press TV, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya ước tính hiện chỉ có khoảng một triệu người Syria đang nhận được viện trợ xuyên biên giới. Ông Nebenzya cũng nhấn mạnh tình hình nhân đạo ở Syria đã cải thiện và HĐBA phải công nhận sự thay đổi này.

Chốt điểm ở Jordan đã không được sử dụng “trong một thời gian dài” và khối lượng vận chuyển qua chốt điểm Iraq không đáng kể và có thể được thực hiện từ Syria, đại sứ Nga nói thêm.

Lính Nga phát lương thực cho người dân Syria khi họ băng từ tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát vào lãnh thổ do chính phủ kiểm soát năm 2018. Ảnh: AFP

Ông Nebenzya bày tỏ tính sẵn sàng của Moscow trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những nơi thực sự cần.

Tương tự, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho hay viện trợ qua biên giới thực sự chỉ là tạm thời và tình hình đã cải thiện.

“Syria có trách nhiệm chính trong cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria và chúng ta nên ưu tiên cung cấp hỗ trợ nhân đạo từ bên trong Syria” - ông Zhang nói.

Sau cuộc bỏ phiếu, Nga đề xuất nghị quyết riêng, yêu cầu một nghị quyết cập nhật về cơ chế viện trợ cho phép sử dụng hai trong bốn cửa khẩu biên giới viện trợ hiện nay, trong khi không bổ sung cửa khẩu thứ ba được đề xuất như dự thảo trên. Ngoài ra, nghị quyết này sẽ chỉ cho phép nối lại hoạt động qua biên giới trong sáu tháng.

Nghị quyết của Nga nhận được năm phiếu ủng hộ, sáu phiếu chống và bốn phiếu trắng, như vậy không đạt được chín phiếu ủng hộ như yêu cầu để nghị quyết được thông qua.

Pháp, Đức và Mỹ nằm trong số những nước thành viên của HĐBA phản đối nghị quyết của Nga trong khi Bỉ và Đức bỏ phiếu trắng.

“Ai chiến thắng ngày hôm nay? Không ai cả” - ông Nebenzya nhắc tới sự thất bại của những nghị quyết đối lập. “Ai thua? Những người thua thiệt là người dân Syria” - ông nói.

Ông Nebenzya cũng chỉ trích các nhà đồng tài trợ dự thảo nghị quyết được phương Tây ủng hộ tìm kiếm “các mục tiêu chính trị”.

Syria cám ơn Nga-Trung

Louay Fallouh, người đứng đầu phái đoàn Nga tại LHQ, ngày 20-12 cáo buộc một số thành viên của HĐBA “đạo đức giả” vì một mặt thảo luận về khủng hoảng nhân đạo ở Syria, mặt khác gây hấn và bao vây người dân Syria.

Các nhân viên của HĐBA LHQ chuẩn bị hàng viện trợ chở tới Syria. Ảnh: AFP

Ông Fallouh cám ơn Nga và Trung Quốc đã phản đối đề xuất được Mỹ ủng hộ, nói rằng bước đi này sẽ giúp duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các hiệp ước của LHQ.

Ông cũng đặt ra câu hỏi tại sao một số thành viên HĐBA và các nhà tài trợ nghị quyết được Mỹ ủng hộ vẫn im lặng đối với việc lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện ở Syria và ăn cắp dầu khí của Syria.

Ông Fallouh kế đến giải thích rằng những kẻ khủng bố Jabhat al-Nusra ở tỉnh Idlib nhận viện trợ nhân đạo đi vào Syria thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ông kêu gọi gỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương, cưỡng chế áp lên người dân Syria.

Trung Quốc: Ai cho Mỹ quyền ở lại Syria?
Trung Quốc: Ai cho Mỹ quyền ở lại Syria?
(PLO)- “Ai trao cho người Mỹ quyền làm điều này? Và theo lời mời của ai mà Mỹ bảo vệ các giếng dầu của Syria”, đặc phái viên Trung Quốc về Syria lên tiếng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm