Mỹ cân nhắc giảm hiện diện ở châu Phi, tập trung cho châu Á

Hãng tin Sputnik ngày 14-1 dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết từ năm ngoái nước này đã bắt đầu thảo luận giảm bớt hiện diện quân sự Mỹ ở châu Phi nhằm "tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến ở châu Á-Thái Bình Dương".

Ông Milley nhắc lại cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi nhậm chức rằng mối đe đoạ hàng đầu mà quân đội Mỹ cần ưu tiên tập trung ứng phó là Nga và Trung Quốc. 

"Chúng tôi đang đưa ra những lựa chọn cho Bộ trưởng Mark Esper quyết định. Những lựa chọn này được đưa ra đã có sự bàn bạc và nhất trí từ các nước NATO", tướng Mark Milley khẳng định. 

Đặc nhiệm Mỹ trong một buổi huấn luyện các binh lính quân đội Niger hồi tháng 4-2018. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ông Milley lên tiếng trong bối cảnh nhiều nguồn tin nội bộ khẳng định nếu Mỹ rút khỏi châu Phi, nước này cũng sẽ dừng mọi hoạt động hỗ trợ Pháp chống khủng bố ở Mali, Burkina Faso và Niger.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm năm nước thuộc khu vực Sachel châu Phi hôm 13-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump suy nghĩ lại về quyết định trên. 

"Nếu người Mỹ quyết định rời bỏ châu Phi, điều đó sẽ rất tệ cho chúng tôi. Tôi hy vọng có thể khiến ông Trump thay đổi. Ông ấy phải biết rằng các hoạt động chống khủng bố vẫn diễn ra thường xuyên ở khu vực này", Tổng thống Macron nói, đồng thời cho biết sẽ bổ sung 220 binh sĩ đến lục địa đen. 

Hồi đầu tháng 1, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi cũng từng tuyên bố gửi thêm binh sĩ đến Đông Phi sau khi một căn cứ Mỹ ở Kenya bị tấn công hôm 5-1 làm một lính Mỹ và hai nhà thầu quân sự thiệt mạng.

Dù vậy, một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi (Africa Centre for Strategic Studies) công bố hồi năm ngoái chỉ ra rằng mặc cho Lầu Năm Góc mở rộng hiện diện quân sự ở châu Phi trong những năm gần đây, bạo lực liên quan đến khủng bố vẫn có dấu hiệu tăng. Số lượng các nhóm vũ trang hoạt động ở châu lục này cũng "tăng gần gấp đôi kể từ năm 2012". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm