Mỹ báo động tình trạng TQ dùng sinh viên làm gián điệp

Tháng 8-2015, một sinh viên học ngành kỹ sư điện tử ở Chicago, bang Illinois (Mỹ) gửi một thư điện tử có tựa “các câu hỏi kiểm tra giữa kỳ” tới tài khoản thư của một công dân Trung Quốc (TQ).

Hai năm sau, thư điện tử này xuất hiện trong một cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở bang Ohio (Mỹ) liên quan đến một công dân TQ bị nhà chức trách Mỹ nghi ngờ là một nhân viên tình báo giả danh cố thu thập thông tin từ một nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Sinh viên TQ bị cáo buộc làm gián điệp

FBI xác định người viết thư điện tử trên là Ji Chaoqun, một sinh viên TQ gia nhập lực lượng dự bị của quân đội Mỹ. Nội dung thư điện tử của Ji không liên quan gì đến các bài kiểm tra của sinh viên này.

Thay vào đó, theo sự chỉ đạo của quan chức tình báo cấp cao TQ, Ji cung cấp thông tin của 8 cá nhân ở Mỹ mà TQ có thể dựa vào đó để lựa chọn tuyển mộ gián điệp.

8 cá nhân này – là các công dân Mỹ gốc TQ hoặc Đài Loan – làm việc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. 7 trong 8 người làm hoặc từng làm và vừa mới nghỉ làm từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Tất cả các cá nhân này đều được xem là các mục tiêu rất có tiềm năng trở thành gián điệp của TQ, trong cuộc chiến lặng thầm với Mỹ nhằm đạt vị thế số 1 về ảnh hưởng toàn cầu.

Ji bị bắt tháng 9-2018, bị cáo buộc làm việc như một đặc vụ theo chỉ thị của một quan chức tình báo cấp cao của Bộ Công an TQ, theo thông tin Bộ Tư pháp Mỹ công bố hồi tháng 9-2018.

Sinh viên Ji bị truy tố ngày 24-1. Ngày 1-2, Ji ra tòa án liên bang ở Chicago và tuyên bố mình vô tội. Dự kiến Ji sẽ ra tòa lần tới vào ngày 26-2.

Ji Chaoqun có thể phải chịu 10 năm tù nếu bị kết tội. Ảnh: FACEBOOK

Ji Chaoqun có thể phải chịu 10 năm tù nếu bị kết tội. Ảnh: FACEBOOK

Nói với CNN, nhiều đương kim và cựu quan chức tình báo Mỹ cho rằng dù sinh viên Ji chưa bị kết án nhưng từ vụ việc có thể thấy TQ đang tăng cường sử dụng công dân mọi tầng lớp, ngành nghề làm gián điệp cho mình.

TQ đang dựa vào lực lượng các nhà khoa học, thương nhân và sinh viên TQ sống, làm việc và học tập ở Mỹ như Ji để thu thập thông tin có lợi cho mình-theo các quan chức tình báo, nhiều nghị sĩ và chuyên gia Mỹ.

Năm ngoái Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo TQ có ý định “thu nhỏ ảnh hưởng của Mỹ để đạt được các mục tiêu của riêng mình”.

TQ trước sau bác bỏ

Hơn một thập niên qua cảnh sát và tình báo Mỹ đã đề cập đến lo ngại các trường đại học Mỹ trở thành mục tiêu mềm cho các cơ quan tình báo nước ngoài tiếp cận công nghệ của Mỹ thông qua các sinh viên nước mình.

TQ đứng đầu về lượng sinh viên qua học tại Mỹ. Ảnh: THX

TQ đứng đầu về lượng sinh viên nước ngoài qua học tại Mỹ. Ảnh: THX

Lo ngại này đặc biệt nóng trong những tháng gần đây. Các quan chức Mỹ muốn gia tăng ý thức công cộng về đe dọa này, thông qua các cuộc điều trần Quốc hội cũng như phát biểu ở các diễn đàn an ninh.

“Chúng ta cho phép 350.000 sinh viên TQ đến đây học mỗi năm. Con số này nhiều. Chúng ta đã có chính sách cấp visa rất rộng rãi với họ. 99,9% sinh viên này tới Mỹ học đàng hoàng, nghiên cứu tốt và có ích cho kinh tế toàn cầu. Nhưng đây cũng là một công cụ mà chính phủ TQ sử dụng để tạo thuận lợi cho các hoạt động ghê tởm ở Mỹ” – CNN dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ William Evanina phát biểu hồi tháng 4-2018 tại một hội nghị an ninh.

Chính phủ TQ trước sau bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc từ phía Mỹ. Truyền thông nhà nước TQ nhắc đến một số trường hợp cáo buộc sai nhắm đến các nhà khoa học Mỹ gốc TQ để cho thấy Mỹ đã thổi phồng lo ngại.

Phía Mỹ vẫn nhận định 99,9% sinh viên TQ tới Mỹ học đàng hoàng, nghiên cứu tốt và có ích cho kinh tế toàn cầu. Ảnh: SCMP

Phía Mỹ vẫn nhận định 99,9% sinh viên TQ tới Mỹ học đàng hoàng, nghiên cứu tốt và có ích cho kinh tế toàn cầu. Ảnh: SCMP

“Các tuyên bố này hoàn toàn sai sự thật và che giấu động cơ. Hình thức trao đổi con người là cơ bản trong việc thúc đẩy hợp tác Trung-Mỹ ở mọi lĩnh vực, có lợi cho nhân dân cả hai nước. Chúng tôi hy vọng các cơ quan và cá nhân liên quan ở Mỹ sửa đổi quan điểm và tích cực thúc đẩy trao đổi con người giữa TQ và Mỹ để tại điều kiện tốt hơn cho hợp tác song phương và trao đổi ở mọi lĩnh vực, thay vì làm điều ngược lại” – CNN dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ.

Nhạy cảm, không dễ giải quyết

Diễn biến này làm nóng thêm quan hệ hai bên khi Mỹ và TQ vốn đang chìm trong các bất đồng thương mại, tấn công mạng, tranh đua ảnh hưởng quân sự ở châu Á.

Và theo cựu quan chức CIA Joe Augustyn, giải quyết vấn đề này không phải dễ khi lượng sinh viên TQ đến Mỹ học mỗi năm quá lớn. Sinh viên TQ hiện vẫn là lực lượng sinh viên nước ngoài lớn nhất ở Mỹ, theo số liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế.

Nhà chức trách Mỹ vẫn cho rằng phần lớn sinh viên TQ qua Mỹ là để học thật sự chứ không phải để làm gián điệp. Ảnh: THX

Nhà chức trách Mỹ vẫn cho rằng phần lớn sinh viên TQ qua Mỹ là để học thật sự chứ không phải để làm gián điệp. Ảnh: THX

Số lượng sinh viên TQ quá đông tại các trường học Mỹ là một thách thức lớn với cảnh sát và các cơ quan tình báo Mỹ để giữ được sự cân bằng giữa môi trường học tập cởi mở của Mỹ mà vẫn hạn chế rủi ro với an ninh quốc gia.

“Vấn đề ở đây là chính phủ TQ chứ không phải bản thân các sinh viên” – một quan chức Mỹ nói với CNN.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu sinh viên TQ nằm trong tầm khoanh vùng của cảnh sát Mỹ. Nhà chức trách Mỹ cho rằng phần lớn sinh viên TQ qua Mỹ là để học thật sự chứ không phải để làm gián điệp. Tuy nhiên nhiều quan chức tình báo Mỹ vẫn nhận định tất cả sinh viên TQ đều có mối liên hệ với chính phủ TQ theo cách nào đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm