Moscow: Mỹ đổ lỗi Nga để tạo cớ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Người đứng đầu Trung tâm quốc gia về giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân của Bộ Quốc phòng Nga - ông Sergei Ryzhkov hôm 16-7 đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ sử dụng các cáo buộc chống lại Nga để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

"Vào ngày 22-5-2020, chính quyền Mỹ đã tuyên bố trong vòng sáu tháng sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Họ đổ lỗi chúng tôi vi phạm các điều khoản của hiệp ước như một cái cớ, nhưng lại không được đồng thuận bởi các nước khác” - đài CNN ngày 16-7 dẫn lời ông Ryzhkov nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga hiện đang đi trước Mỹ 6-7 năm trong lĩnh vực công nghệ máy bay liên quan đến Hiệp ước Bầu trời mở, theo hãng tin Sputnik.

Ông Ryzhkov cũng phản biện rằng hành động hạn chế đối với các chuyến bay do thám nước ngoài ngoài khơi TP Kaliningrad của Nga là hoàn toàn phù hợp với mọi điều khoản trong hiệp ước.

Trước đó vào cuối tháng 5, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ đã quyết định rút khỏi hiệp ước này, đồng thời cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận giữa các bên. 

Người đứng đầu Trung tâm quốc gia về giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân của Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng chỉ trích việc Mỹ sử dụng cáo buộc chống lại Nga để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: SPUTNIK

"Nga đã không tuân thủ hiệp ước này, vì vậy chúng tôi sẽ rút trừ khi họ nghiêm túc thực thi nó" - ông Trump khẳng định.

Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này của Mỹ, khẳng định Moscow sẽ chỉ hợp tác với Washington trên cơ sở lợi ích chung và sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi vu khống nào.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã tỏ ra hối tiếc về động thái của Mỹ và bày tỏ hy vọng Washington sẽ thay đổi quyết định của mình.

Hiệp ước Bầu trời mở do 34 nước ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang qua các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự.

Khoảng 1.500 chuyến bay đã được thực hiện trong khuôn khổ hiệp ước Bầu trời mở.

Theo hãng tin Reuters, các quốc gia tham gia hiệp ước đồng ý cho phép các chuyến bay giám sát trên toàn bộ lãnh thổ. Mặc dù vậy, một số khu vực tại Nga vẫn bị hạn chế đến thời điểm hiện tại.

CNN cho biết đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn mới nhất mà Mỹ sẽ từ bỏ dưới thời chính quyền Trump sau Hiệp ước kiểm soát lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987 với Liên Xô cũ.

Kremlin ra cảnh báo về quan hệ Nga-Mỹ
Kremlin ra cảnh báo về quan hệ Nga-Mỹ
(PLO)- Quan hệ Nga - Mỹ xuống cấp sẽ ảnh hưởng khả năng thực thi trách nhiệm hai nước trong các vấn đề đa phương cũng như kiểm soát và bảo toàn thế ổn định chiến lược.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm