Moscow bác cáo buộc 'máy bay đánh thuê' Nga ném bom Libya

Nga hôm 26-5 đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc gần đây do Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của Mỹ đưa ra về việc các máy bay chiến đấu của Nga ném bom Libya.

“Cáo buộc cho rằng Nga đã đưa chiến đấu cơ tới Libya là một điều không thể xảy ra trong thực tế” - ông Andrey Krasnov, Phó chủ tịch Hạ viện Duma Quốc gia Nga nói với hãng tin Interfax.

“Chúng tôi luôn ủng hộ việc chấm dứt các cuộc xung đột đổ máu ở Libya, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng chiến và ngồi vào bàn đàm phán” - ông Krasnov nói thêm.

Lời bác bỏ của ông Krasnov được đưa ra cùng ngày sau lời cáo buộc của AFRICOM với một loạt bức ảnh chụp chiến đấu cơ MiG-29 thế hệ 4 và Sukhoi của Nga cùng tuyên bố của Tướng Lục quân Stephen Townsend rằng Mỹ đã theo dõi khi những chiếc máy bay quân sự này bay tới Libya.

Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ lên tiếng cáo buộc máy bay chiến đấu của Nga đến ném bom Libya Ảnh: Twitter

AFRICOM cho rằng Nga đã triển khai những chiếc máy bay này tới Libya để hỗ trợ nhóm Wagner - một nhóm đánh thuê người Nga chiến đấu cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tư lệnh Khalifa Haftar, đồng thời thực hiện một cuộc thám thính trên không. 

AFRICOM cũng tin rằng một số chiến đấu cơ rời khỏi Nga đã hạ cánh xuống Syria, nơi chúng được “sơn lại nhằm che giấu nguồn gốc Nga” trước khi bay đến Libya, theo đài RT.

Tướng Townsend khẳng định những nhận định của Mỹ là đáng tin cậy, cho rằng “LNA không thể sở hữu và sử dụng số lượng chiến đấu cơ như vậy mà không có sự hỗ trợ từ một nhà nước nào đó, như nước Nga chẳng hạn”. 

Hình ảnh chiến đấu cơ MiG-29 thế hệ 4 và Sukhoi của Nga được cho là bay tới Libya. Ảnh: RT

Trước đó vào ngày 21-5, hãng Bloomberg dẫn lời ông Fathi Bashagha - Bộ trưởng Nội vụ chính phủ lâm thời Libya (GNA) tại Tripoli cho hay sáu chiếc MiG-29 và hai chiếc Su-24 đã hạ cánh xuống miền đông Libya sau khi bay từ căn cứ Khmeimim của Nga ở Syria.

Libya lâm vào nội chiến, bạo lực và hỗn loạn sau khi khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp quân sự vào nước này lật đổ và giết chết lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.

Quốc gia này hiện bị cấm vận vũ khí nhưng Liên Hiệp Quốc nhiều lần phát hiện các bên ủng hộ GNA và LNA vi phạm. GNA chủ yếu được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ còn LNA được sự hậu thuẫn của Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và một số nước khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm