Luật an ninh Hong Kong: Bà Lâm ủng hộ, phương Tây quan ngại

Tối 21-5, báo South China Morning Post đưa tin Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC - tức Quốc hội Trung Quốc) sắp ban hành luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga hoàn toàn ủng hộ quyết định của chính phủ trung ương Bắc Kinh. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc.

Hong Kong cam kết "toàn lực hỗ trợ" cho nỗ lực của Bắc Kinh

Nghị quyết về luật an ninh quốc gia mới đã được trình bày tại ngày khai mạc kỳ họp NPC 22-5. Vài giờ sau, Hội đồng Hành chính Hong Kong đã tổ chức họp báo với sự có mặt của các thành viên hội đồng để thể hiện sự thống nhất ủng hộ quyết định của Bắc Kinh. 

Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Hội đồng Hành chính Hong Kong họp báo về luật an ninh quốc gia mới của Hong Kong. Ảnh: HONG KONG NEWS

Biểu ngữ phía sau viết: "Toàn lực hỗ trợ cho việc thành lập và cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật cho Đặc khu hành chính Hong Kong để bảo vệ an ninh quốc gia".

Bà Lâm tuyên bố sẽ đảm bảo luật mới sẽ không xâm phạm các quyền của người dân địa phương và các nhà đầu tư, mà trái lại sẽ bảo vệ các quyền đó. Bà cho rằng luật mới sẽ không làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" hay quyền tự trị cao của Hong Kong.

"Nó cũng đưa ra hệ thống tốt nhất để đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định ở Hong Kong. Nó sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tư bản và tinh thần thượng tôn pháp luật ở Hong Kong. Nó sẽ không ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà đầu tư vốn được bảo vệ hợp pháp ở Hong Kong" - bà Lâm nhấn mạnh.

Bà cho rằng dự luật sẽ tạo ra môi trường ổn định, không có "mối đe dọa khủng bố", ám chỉ tình trạng bạo loạn và đốt phá của người biểu tình trong năm 2019 sẽ không thể tiếp diễn.

Anh, Úc, Canada và đại diện EU quan ngại

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã ra tuyên bố chung thể hiện sự "quan ngại sâu sắc" trước đề xuất của Trung Quốc ban hành luật dành riêng cho Hong Kong. 

Thành viên phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong phát tờ rơi kêu gọi người dân phản đối quyết định của Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong. Ảnh: AFP

"Việc thay mặt cho Hong Kong xây dựng một luật như vậy, không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp và tư pháp của Hong Kong rõ ràng sẽ làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" - nguyên tắc đảm bảo quyền tự trị cao của Hong Kong" - tuyên bố chung nêu rõ.

Ba ngoại trưởng nhấn mạnh Trung Quốc cần tiếp tục tuân thủ Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 (về việc Anh đồng ý sẽ trao trả Hong Kong cho Trung Quốc), duy trì quyền tự trị cao của Hong Kong ít nhất là tới năm 2047 và tôn trọng "các quyền và sự tự do" của người dân Hong Kong phù hợp với luật pháp của vùng lãnh thổ này và các quy định của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Anh còn có tuyên bố riêng về vấn đề này. Ngày 22-5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước Anh "tôn trọng mô hình "một quốc gia, hai chế độ"", song "kỳ vọng Trung Quốc tôn trọng các quyền, sự tự do và mức độ tự trị cao của Hong Kong".

Về phía Liên minh châu Âu (EU), Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cũng đại diện toàn khối ra tuyên bố về việc ban hành luật mới này.

Ông Borrel cho biết EU xem tổng hòa 3 yếu tố: (1) các cuộc thảo luận dân chủ, (2) tham vấn của các bên liên quan chính, và (3) sự tôn trọng các quyền và sự tự do được bảo vệ ở Hong Kong sẽ là cách tốt nhất để tiến hành thông qua luật an ninh quốc gia, phù hợp với Luật Cơ bản Hong Kong và nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

Trong phiên khai mạc kỳ họp NPC, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ NPC Vương Thần đã trình bày nghị quyết bảy điểm về luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong.

Theo đó, Hong Kong cần thiết lập các thể chế để cải thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia. Các cơ quan liên quan của chính quyền Trung Quốc sẽ thành lập các cơ quan trực thuộc tại Hong Kong nếu cần thiết.

Luật sẽ cấm các hành vi "ly khai", "lật đổ", "can thiệp từ nước ngoài" và "khủng bố" tại vùng lãnh thổ này, được cho là nhằm chống lại các nỗ lực của các thế lực chống Trung Quốc cổ vũ Hong Kong độc lập.

Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc chưa thông báo nhiều chi tiết của luật mới cho phía Hong Kong. Ông Trần Trí Tư, thành viên của Hội đồng Hành chính Hong Kong, cho biết hiện tại đoàn đại biểu Hong Kong tại NPC "được cung cấp ít thông tin". Còn bà Lâm nói rằng "chưa thể" cung cấp thông tin chi tiết về luật mới này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm