Lừa tiêm người dân nước muối thay vì vaccine, một bệnh viện Ấn Độ phải đóng cửa

Chính quyền TP Mumbai, Ấn Độ, đã tiến hành phong tỏa và hủy bỏ giấy phép hoạt động của bệnh viện Shivam hôm 2-7, sau khi phát hiện bệnh viện có liên quan một vụ lừa đảo vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn. 

Theo hãng tin RT, hiện phía cảnh sát đang điều tra xem liệu lô vaccine ngừa COVID-19 giả được phát hiện có nguồn gốc từ bệnh viện này hay không, thêm rằng chủ sở hữu của lô vaccine hiện đã bị bắt giữ. 

Ngoài ra, hơn một chục trung tâm tiêm chủng tư nhân có liên quan bệnh viện Shivam cũng đang bị điều tra vì đã “tiêm chủng” cho người dân vaccine làm từ nước muối. 

Bệnh viện Shivam đã trở thành trung tâm tiêm chủng tư nhân vào đầu năm nay sau khi được sự cho phép của chính phủ để bắt đầu tiêm vaccine cho người dân. Theo các hãng truyền thông Ấn Độ, bệnh viện này đã nhận được hơn 20.000 liều vaccine từ chính quyền Mumbai.

Tuy nhiên, cảnh sát thành phố nghi ngờ một số liều vaccine có thể đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo, hoặc phía bệnh viện có thể đã giữ lại những liều vaccine thật để dùng cho các kế hoạch phi pháp, và thay thế bằng hỗn hợp nước muối.

“Đến hiện tại chúng tôi đã bắt hết những cá nhân và tổ chức có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và bắt giữ thêm nếu phát hiện ai khác có liên quan” - quan chức cảnh sát Vishwas Nangre Patil nói tại một cuộc họp báo.

Một người phụ nữ lớn tuổi người Ấn Độ đang được nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: RT

Trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra và tiến hành bắt giữ những người có liên quan, hơn 2.500 người dân hiện đang không có khả năng tự vệ trước nguy cơ của đợt dịch mới, dù họ đã bỏ tiền để được tiêm vaccine.

Tờ The Indian Express dẫn thông tin từ sở cảnh sát Mumbai tiết lộ có trên 2.500 người đã được tiêm “vaccine nước muối" ở Mumbai trong tháng 5 và tháng 6. 

Ít nhất 10 trung tâm tiêm chủng đang bị cảnh sát Mumbai điều tra với cáo buộc đã thu được 2.600.000 Rupee (35.000 USD) từ số tiền người dân trả để được tiêm những liều vaccine giả này.

Hai trong số các nạn nhân, ông Hiren Mehta và vợ ông, đã trả khoảng 1.260 Rupee (23 USD) mỗi người cho thứ mà họ nghĩ là vaccine ngừa COVID-19. 

Hai vợ chồng nói rằng bây giờ họ không thể đăng ký tiêm bất kỳ loại vaccine nào nữa vì họ đã nhận được giấy chứng nhận giả và thông tin đã được nhập vào cơ sở dữ liệu tiêm chủng của chính phủ.

Theo hãng tin AFP, các lọ vaccine giả bị thu giữ được dán nhãn vaccine AstraZeneca của Anh hoặc Covishield của Ấn Độ. Một người đàn ông đóng giả một công chức có bằng thạc sĩ về di truyền học cũng đã bị bắt và bị nghi ngờ là người thành lập một số trung tâm tiêm chủng lừa đảo ở Mumbai. 

Nhân viên y tế lấy vaccine ra từ lọ. Ảnh: AFP

Hiện những người dân được tiêm vaccine giả đang vô cùng lo lắng trước tác dụng phụ của hợp chất bên trong lọ vaccine.

“Nếu bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, thành phố sẽ mở các cơ sở y tế trong khu vực để chăm sóc những người đã bị tiêm vaccine giả” - một quan chức y tế Mumbai cho hay. 

Chính quyền thành phố cũng đang lên kế hoạch xét nghiệm kháng thể cho hơn 2.500 nạn nhân bị lừa đảo để đảm bảo những người này không bị nhiễm COVID-19.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với hơn 30,5 triệu ca nhiễm và hơn 402.000 ca tử vong.

Bên cạnh đó, hơn 351 triệu liều vaccine đã được tiêm trong cả nước, với 59 triệu người dân Ấn Độ đã được tiêm đầy đủ, chiếm trên 4,3% dân số nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm