Lũ dâng ảnh hưởng chuỗi cung ứng, Vũ Hán công bố báo động đỏ

Theo hãng tin Reuters, phần lớn khu vực miền Trung và miền Đông Trung Quốc hôm 17-7 phải chao đảo khi cơn lũ lớn nhất trong nhiều thập niên qua đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quan trọng và gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Lũ ở thành phố Vũ Hán. Ảnh: VCG

Thành phố Vũ Hán đã nâng mức cảnh báo lên báo động đỏ, khuyến cáo người dân chú ý đề phòng khi mực nước ở đây dâng cao vượt quá ngưỡng đảm bảo an toàn.

Cùng với Vũ Hán, các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang cũng nâng mức cảnh báo lên báo động đỏ khi các cơn mưa lớn làm tràn các sông và hồ ở đây.

Ở phía Đông, Thái Hồ gần Thượng Hải cũng công bố báo động đỏ sau khi nước lũ ở khu vực này dâng cao hơn gần 1m so với mức an toàn.

Hồ Bà Dương ở Giang Tây cũng ghi nhận mức nước dâng cao hơn 2.5m so với mức an toàn. Lũ đã lan rộng hơn 2.000 km2 và một phần của thị trấn xung quanh đã bị ngập lụt

Huyện Tiên Đào - nơi sản xuất nhiều, nhà sản xuất vải không dệt - nguyên liệu sản xuất các thiết bị bảo hộ lớn nhất Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do lũ.

Đập Tam Hiệp nằm trên sông Dương Tử đang giữ mực nước cao hơn 10m so với mức cảnh báo nhằm giảm bớt rủi ro lũ lụt cho hạ lưu, hiện tại ghi nhận lưu lượng khoảng 50.000 mét khối/giây. Điều này gây nên nhiều lo ngại về việc đập thủy điện này sẽ bị vỡ do tác động của thiên tai.

Mưa mùa hè gây ra lũ lụt cho Trung Quốc hầu như hàng năm, nhưng tác động của cơn lũ lần này gây ra thực sự nghiêm trọng trong bối cảnh các thiết bị bảo hộ cá nhân trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

"Đây là thời điểm tệ nhất đối với Vũ Hán khi các thiết bị bảo hộ không thể đến được Mỹ, tuy nhiên chúng tôi đang giải quyết vấn đề này", ông Michael Einhorn - nhà phân phối các sản phẩm từ Vũ Hán và vùng lân cận cho biết.

"Hơn một tuần chúng tôi không thể bán được các sản phẩm của mình, đây thực sự là một khoảng thời gian rất lâu đối với lĩnh vực kinh doanh", đồng thời ông nói thêm việc tạm ngừng có thể kéo dài thêm 2-3 tuần nữa.

Các nhà phân tích cho rằng hoạt động kinh tế tại các khu vực của Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu xây dựng cũng như sản xuất thép và xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng do lũ lụt đã làm mất đi động lực phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do coronavirus gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm