Lo ổ dịch mới, Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn 1 huyện ở Hà Nam

Theo tin từ báo South China Morning Post (SCMP), tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc) vừa thực hiện biện pháp phong tỏa hoàn toàn với huyện Giáp, vì lo lắng huyện này có nguy cơ thành một ổ dịch mới sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm liên quan một bệnh viện trong tỉnh.

Nội bất xuất ngoại bất nhập

SCMP cho biết các biện pháp “giống giới nghiêm” có hiệu lực từ ngày 31-3. Khoảng 600.000 dân trong huyện Giáp được yêu cầu ở trong nhà. Tất cả trường hợp muốn đi ra khỏi nhà - kể cả đi làm - đều phải có được sự chấp thuận đặc biệt, theo thông báo từ chính quyền huyện.

Người dân trước khi ra khỏi nhà phải mang khẩu trang và phải được đo nhiệt độ trước khi đi và trước khi vô nhà lại.

Tất cả hoạt động kinh doanh đóng cửa, trừ các ngành nghề thiết yếu, các cơ sở cung cấp thuốc men, các công ty hậu cần và chế biến thực phẩm. Toàn bộ các khách sạn, cửa hàng đóng cửa, ngoại trừ các siêu thị, bệnh viện, chợ bán thực phẩm, trạm xăng, nhà thuốc.

Xe hơi chỉ được dùng cách ngày, tùy theo biển số xe.

Một quan chức thuộc ngành giao thông của huyện Giáp xác nhận huyện này đã bị đặt vào tình trạng cô lập thực sự.

“Tốt hơn là đừng đến huyện Giáp lúc này. Không ai được vào hay ra cả” - SCMP dẫn lời quan chức này.

Các biện pháp “giống giới nghiêm” được thực hiện ở huyện Giáp, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) để ngăn COVID-19 lây lan. Ảnh: REUTERS

SCMP cho biết một số cư dân trong huyện mà báo có liên lạc trong ngày 1-4 nói họ đã được chính quyền thông báo về lệnh phong tỏa.

Lo ổ dịch mới

Cô Wang Xiao 23 tuổi cho biết cô được người trong huyện báo lại từ chiều 31-3. Cô cho biết chính quyền đề nghị dân mua trữ rau củ và các đồ dùng cần thiết hằng ngày để chuẩn bị cho tình trạng cô lập. Theo lời cô thì chính quyền cho phép mỗi gia đình có thể chỉ định một thành viên ra khỏi nhà mua thực phẩm mỗi hai ngày.

“Tôi lo lắng vì nó (bệnh viện xuất hiện các ca nhiễm COVID-19) quá gần tôi. Bệnh viện chỉ cách nhà tôi có 2 km. Tôi chẳng biết có các ca nhiễm ở đó” - cô Wang nói.

Cô Wang nói tới thông tin rằng huyện Giáp cuối tuần này thông báo có bốn ca nhiễm COVID-19.

Theo thông báo thì một bác sĩ họ Liu làm việc tại bệnh viện huyện và ngày 28-3 đã có kết quả nhiễm. Bác sĩ Liu trở về từ Vũ Hán từ tháng 1 và làm việc lại sau khi hoàn thành hai tuần tự cách ly.

Tuy nhiên, bác sĩ Liu đã lây sang hai đồng nghiệp nữa tại bệnh viện và cả sang một người bạn cùng lớp cũ. Ngày 29-3, tất cả ba người này bị xác định nhiễm.

Dù nằm ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc nhưng tỉnh Hà Nam chỉ có hơn chục ca nhiễm suốt mùa dịch COVID-19 ở Trung Quốc, tính đến ngày 1-4.

Anh Wang Jun - chủ một doanh nghiệp trong huyện Giáp nói anh vừa cảm thấy dễ thở vì có thể khôi phục làm việc, sản xuất thì giờ lại phải tiếp tục lo lắng với tình trạng phong tỏa hoàn toàn.

Từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc đã cho phong tỏa TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) từ tháng 1, đóng cửa toàn bộ TP 11 triệu dân để ngăn dịch bệnh lan tràn ra ngoài.

Từ chỗ là nơi bùng phát dịch đầu tiên của thế giới, sau hai tháng quyết liệt áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, khoảng một tháng qua Trung Quốc ghi nhận đà giảm mạnh số ca nhiễm nội địa.

Theo số liệu Ủy ban Y tế Quốc gia nước này vừa thông báo thì trong ngày 31-3 Trung Quốc có 36 ca nhiễm mới nhưng tất cả đều là nhiễm nhập cảnh.

Người dân Trung Quốc giữ khoảng cách xã hội ngừa lây nhiễm COVID-19. Ảnh: AP

Quyết định phong tỏa thêm một địa phương nữa để ngăn dịch đến trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm thứ hai và bắt tay khôi phục hoạt động kinh tế.

Các lãnh đạo Trung Quốc đang khẩn trương khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng cũng nhấn mạnh việc này phải cân bằng với việc thực hiện các biện pháp kiềm dịch.

Trong lần đến thăm tỉnh Chiết Giang gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải hết sức thận trọng trong quá trình đưa cuộc sống trở lại bình thường. Ông Tập cũng yêu cầu các quan chức phải đảm bảo không để có “bất kỳ lỗ hổng” nào trong ngăn chặn bệnh dịch quay lại. Theo số liệu chính thức từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thì dịch COVID-19 đã khiến 82.000 người nhiễm trong đó có hơn 3.300 người chết ở đại lục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm