Lộ dữ liệu mật: COVID-19 phủ khắp 230 thành phố Trung Quốc

Tạp chí Foreign Policy ngày 12-5 tuyên bố vừa nhận được cơ sở dữ liệu mật rò rỉ từ ĐH Công nghệ Quốc phòng quốc gia Trung Quốc trong đó cho thấy quy mô dịch COVID-19 ở đại lục lớn hơn rất nhiều so với số liệu chính thức hiện nay. 

Được biết, đại học này có một trang cập nhật ca nhiễm COVID-19 trực tuyến mở đang hoạt động nhưng thông tin của trang này không chi tiết bằng dữ liệu mà Foreign Policy có được.

Việc tiếp cận trang cập nhật này cũng rất khó khăn khi trang này dường như chặn truy cập từ một số quốc gia nhất định.  

Ảnh chụp trang cập nhật ca nhiễm COVID-19 của ĐH Công nghệ Quốc phòng quốc gia Trung Quốc ngày 11-5. Ảnh: FOREIGN POLICY

Cụ thể, cơ sở dữ liệu của Foreign Policy cho thấy Trung Quốc trong giai đoạn từ khoảng đầu tháng 2 đến cuối tháng 4 có hơn 640.000 lượt cập nhật thống kê - mỗi lượt theo dõi một số lượng người nhiễm COVID-19 nhất định ở một địa điểm nhất định trải khắp ít nhất 230 thành phố.

Hiện chưa rõ ĐH Công nghệ Quốc phòng quốc gia đã áp dụng cách tính số người nhiễm nào vì Trung Quốc từng nhiều lần đổi phương pháp thống kê.

Trang web của ĐH này chỉ nêu đơn giản rằng số liệu được tổng hợp từ Bộ Y tế Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia, thống kê từ giới truyền thông và một số nguồn mở khác. 

Đáng chú ý, Foreign Policy khẳng định dữ liệu trên chưa hoàn chỉnh. Tạp chí này cũng đang tìm cách công bố dữ liệu cho giới chuyên gia thế giới, nhấn mạnh đây là "một kho tàng cho quý giá cho ngành dịch tễ học và y tế công cộng". 

Foreign Policy còn cho rằng sở dĩ Trung Quốc không công bố dữ liệu đầy đủ của ĐH Công nghệ Quốc phòng quốc gia nhiều khả năng là do căng thẳng giữa nước này với Mỹ và không muốn cộng đồng quốc tế nước này cố tình che giấu tình hình dịch.

Việc Trung Quốc sửa số liệu dịch cũng không phải là chưa có tiền lệ khi nước này vào ngày 17-4 đã điều chỉnh số ca nhiễm COVID-19 ở TP Vũ Hán vào thời điểm đó là 2.579 lên 3.869, tức tăng gần 50%. 

Phản ứng trước các diễn biến trên, tờ Hoàn cầu thời báo mới đây đã dẫn nhận định của GS Li Haidong thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc khẳng định ông rất nghi ngờ tính xác thực dữ liệu của Foreign Policy.

Một số chuyên gia Trung Quốc khác cũng cho rằng việc có người cung cấp cho Foreign Policy được dữ liệu mật là hành vi đánh cắp thông tin và vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư. 

Trong khi đó, Mỹ đến nay chưa đưa ra bình luận chính thức nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm