'Lính đánh thuê' Nga có mặt ở Libya?

Các bác sĩ tại một bệnh viện dã chiến phía nam thủ đô Tripoli (Libya) đã lần đầu chứng kiến các vết đạn hẹp và sâu song không xuyên qua cơ thể trên người các nạn nhân trong những cuộc xung đột tại đây, theo báo The New York Times.

Các binh sĩ Libya nhận định đây là dấu hiệu có "lính đánh thuê" người Nga đang tham chiến tại quốc gia này, khi vết đạn được miêu tả ở trên là đặc trưng cho loại đạn được sử dụng bởi lực lượng đánh thuê Nga trong nhiều nhiệm vụ trên khắp thế giới.

Đạn Hollow-point. Ảnh: WIKIPEDIA

The New York Times dẫn lời một quan chức an ninh của châu Âu khẳng định việc viên đạn găm sâu vào cơ thể nhưng không xuyên qua là đặc trưng của đạn Hollow-point - loại đạn có độ chính xác cao. Đây cũng là loại đạn mà phương Tây cáo buộc được lính bắn tỉa Nga sử dụng ở miền đông Ukraine.

Cũng theo tờ báo Mỹ, hơn 200 lính đánh thuê Nga, bao gồm lính bắn tỉa, đã được triển khai đến Libya trong sáu tuần qua. Đây được đánh giá là động thái dần tiến tới can thiệp quân sự trực tiếp của Nga vào Libya, sau hơn bốn năm Moscow hậu thuẫn tài chính và chiến thuật cho lực lượng của tướng Khalifa Haftar (người chống chính quyền Tripoli và được Liên Hiệp Quốc công nhận).

Tướng Khalifa Haftar (hàng trên, ở giữa) đang gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (hàng dưới, ở giữa) tại Moskva, 2017. Ảnh: AP

Lực lượng đánh thuê Nga đang tham chiến tại Libya thuộc Tập đoàn Wagner, một công ty an ninh tư nhân có liên hệ với chính phủ Nga. Chính công tin này cũng dẫn đầu việc can thiệp vào Syria của Nga, theo lời của ba quan chức Libya và năm nhà ngoại giao phương Tây đang theo dõi vụ việc.

"Kịch bản tương tự với Syria đang xảy ra tại Lybia". Bộ trưởng Nội vụ chính quyền lâm thời Libya Fathi Bashagha cho biết. Quan chức này ám chỉ việc Nga đang can thiệp quân sự vào cuộc xung đột tại quốc gia này.

Một quan chức khác của chính quyền lâm thời Lybia - tướng Osama al-Juwaili nhấn mạnh "Nga rõ ràng đang sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào xung đột tại Libya". Ông này cũng chỉ trích khi các đồng minh phương Tây của Tripoli đã không có hành động ngăn chặn khi phe của tướng Haftar có được sự hậu thuẫn từ nước ngoài.

Đứng trước những cáo buộc trên, điện Kremlin phủ nhận trách nhiệm đối với các hoạt động quân sự mang tính tư nhân.

Binh sĩ tham chiến tại Libya. Ảnh: AFP

Cuộc nội chiến Libya đã kéo dài từ năm 2014 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đây là cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo chống lại chính quyền hòa hợp dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm