LHQ: Cùng chống COVID-19 là nghĩa vụ đạo đức toàn cầu

Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi nỗ lực hợp tác toàn cầu mới về vaccine ngừa COVID-19, cảnh báo sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong việc phân phối vaccine có thể gây nguy hiểm cho cả thế giới, theo kênh Channel News Asia.

Theo đề xuất của nước chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) là Anh, bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên HĐBA đã lần đầu tiên tổ chức một phiên họp trực tuyến để cùng bàn về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các bộ trưởng ngoại giao thống nhất rằng thế giới có “nghĩa vụ đạo đức” phải hành động cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo sự bất bình đẳng trong tỉ lệ phân phối vaccine hiện nay, chỉ ra rằng 75% lượng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay nằm trong tay chỉ 10 nước, trong khi 130 nước khác chưa có được bất kỳ liều vaccine ngừa COVID-19 nào.

“Thế giới cần khẩn cấp một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu tập hợp được tất cả những thành viên có quyền lực cần thiết, có chuyên môn khoa học, có năng lực tài chính và sản xuất” - ông Guterres nói. 

Thế giới cần một chương trình tiêm chủng toàn cầu để ngừa COVID-19 - Ảnh minh họa. Ảnh: GETTY

Ông Guterres cho rằng nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) là khối phù hợp nhất cho việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để cung cấp tài chính và thực hiện chương trình tiêm chủng toàn cầu. Ông Guterres cam kết LHQ sẽ hỗ trợ tuyệt đối nếu một lực lượng như vậy được thành lập.

Ông Guterres đề cập sự phân chia Bắc-Nam của nền kinh tế-chính trị toàn cầu giữa các nước phát triển hơn (gồm Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, châu Âu và một số rất ít nền kinh tế mạnh ở Đông Á) và các khu vực kém phát triển hơn ở phần còn lại của thế giới.

Theo ông Guterres, việc dịch bệnh lây lan như cháy rừng ở các nước kém phát triển hơn có thể gia tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19), làm dịch bệnh kéo dài và đe dọa cả các nước phát triển hơn.

Các biến thế mới này có thể trở nên nguy hiểm hơn - lây lan nhanh hơn, khiến các biện pháp chẩn đoán mà thế giới đang áp dụng trở nên kém hiệu quả hơn, gây ra tỉ lệ tử vong cao hơn, cũng như có nguy cơ làm vaccine mất tác dụng – ông Guterres cảnh báo.

Cùng quan điểm với ông Guterres, Giám đốc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - ông Henrietta Fore cho rằng “cách duy nhất cho bất kỳ ai trong chúng ta thoát khỏi đại dịch này là đảm bảo chương trình tiêm chủng (ngừa COVID-19) đến được với tất cả chúng ta”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang dẫn đầu một nỗ lực để hỗ trợ phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển (chương trình COVAX). Theo kế hoạch đã được thông qua, COVAX sẽ hỗ trợ 2 triệu liều vaccine trong năm 2021 cho các nước tham gia sáng kiến (bao gồm Việt Nam).

Ngày 31-12-2020, WHO đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của liên danh Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). Ngày 15-2, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine do công ty dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) phối hợp cùng Đại học Oxford (Anh) phát triển. Ngoài các hợp đồng với riêng các quốc gia, hai loại vaccine này cũng tham gia COVAX.

Tuy nhiên, nguồn cung vaccine vẫn là một vấn đề lớn, cũng như điều kiện phức tạp trong vận chuyển và bảo quản vaccine cũng cản trở nỗ lực tiêm chủng ở các nước nghèo dù có tham gia COVAX. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm