LHQ cảnh báo về sức khỏe tâm thần toàn cầu do COVID-19

Ngày 13-5, hãng tin Reuters dẫn một báo cáo từ các chuyên gia y tế của Liên Hiệp Quốc nói rằng một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần đang xuất hiện trên toàn thế giới bởi nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19.

“Việc cách ly ở nhà, nỗi sợ hãi, cảm giác không ổn định và bất ổn kinh tế - tất cả đã và đang gây ra nhiều vấn đề tâm lý” – bà Devora Kestel - Giám đốc cơ quan sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong buổi trình bày báo cáo, chính sách về COVID-19 và sức khỏe tâm thần của Liên Hiệp Quốc.

Bà Kestel cho biết thêm rằng số lượng người có các vấn đề tâm thần cũng như mức độ nghiêm trọng trong bệnh lý tâm thần ngày càng tăng. Chính phủ các nước nên coi vấn đề này là “trước mắt và là trung tâm” trong các phản ứng với đại dịch COVID-19 của họ, theo bà Kestel.

“Sức khỏe tinh thần và thể chất của toàn xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Việc này cần được ưu tiên giải quyết khẩn cấp” - bà Kestel nhấn mạnh.

Bà Devora Kestel - Giám đốc cơ quan sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: TWITTER

Thêm vào đó, báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh một số khu vực và những đối tượng trong xã hội dễ bị tổn thương về tinh thần nhất. Đó là trẻ em và những người trẻ bởi họ phải ở nhà theo yêu cầu phong tỏa, không được gặp gỡ bạn bè hay đến trường.

Đối tượng tiếp theo là các nhân viên y tế - những người hằng ngày phải chứng kiến hàng ngàn bệnh nhân nhiễm và tử vong vì COVID-19.

Các nghiên cứu và khảo sát gần đây cũng nhấn mạnh tác động lớn của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần trên toàn cầu. Theo các nhà tâm lý học, sự trầm cảm, mất hy vọng và tình trạng bạo lực gia đình cũng đang tăng cao tại một số quốc gia.

Đặc biệt, số lượng nhân viên y tế cần sự hỗ trợ tâm lý cũng tăng mạnh. Theo một khảo sát do Reuters thực hiện hồi tuần trước tại Mỹ, các bác sĩ, y tá nói rằng họ hay những đồng nghiệp của mình đã phải chịu đựng sự hoảng loạn, đau khổ, sợ hãi, mất ngủ và gặp ác mộng.

Báo cáo của WHO nói rằng số lượng nhân viên y tế cần được hỗ trợ tâm lý ngày càng nhiều. Ảnh minh họa REUTERS

Ngoài ra, báo cáo của WHO cho biết nhiều người trở nên đau khổ, buồn chán vì những tác động sức khỏe, những vấn đề xảy ra do cách ly xã hội. Trong số đó, nhiều người còn nói rằng họ lo sợ bị nhiễm trùng, chết và mất người thân trong gia đình.

Đại dịch cũng khiến nhiều người lâm vào cảnh mất hay có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập. Tiếp đến, thông tin sai lệch, tin đồn về đại dịch và sự lo lắng không biết đại dịch sẽ kéo dài bao lâu nữa càng khiến nhiều người thêm lo lắng, vô vọng về tương lai.

Sau khi đưa ra những ảnh hưởng của COVID-19 tới sức khỏe tâm thần toàn cầu, báo cáo đã chỉ ra những điểm mà các nhà hoạch định chính sách cần nhắm mục tiêu đến. Đó là làm sao giảm bớt sự đau khổ to lớn của hàng trăm triệu người và giảm thiểu chi phí kinh tế và xã hội lâu dài.

“Cần có sự đầu tư vào các hoạt động tâm lý, cung cấp các phương thức trị liệu tâm thần khẩn cấp từ xa như tư vấn cho các nhân viên y tế tuyến đầu, chủ động tiếp cận với những người bị trầm cảm và nhất là với những ai có nguy cao bị bạo lực gia đình và ảnh hưởng do nghèo đói” - báo cáo nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm