Lãnh đạo LHQ chỉ trích G7 vì thiếu kế hoạch vaccine COVID-19 toàn cầu

Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Mark Lowcock chỉ trích nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vì không đưa ra một kế hoạch toàn cầu về vaccine ngừa COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 14-6, ông Lowcock nói với Reuters rằng: “Những đợt phát từ thiện lẻ tẻ, quy mô nhỏ từ các nước giàu đến các nước nghèo không phải là một kế hoạch nghiêm túc và nó sẽ không làm cho đại dịch chấm dứt”.

Ông Lowcock cho rằng việc G7 cam kết cung cấp 1 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 trong một năm tới chỉ là “một bước nhỏ” để hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận loại hàng hóa y tế công cộng này. 

“Những gì thế giới cần từ G7 là một kế hoạch tiêm chủng cho thế giới. Và những gì chúng ta đã có là một kế hoạch tiêm chủng cho khoảng 10% dân số của các nước có thu nhập thấp và trung bình” trong khoảng một năm tới, hoặc muộn hơn là nửa cuối năm 2022 - ông Lowcock nói.

Nhà lãnh đạo LHQ này còn đòi hỏi G7 phải hành động nhiều hơn, không chỉ quan tâm tới vaccine mà cần hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu khác trong cuộc chiến chống COVID-19 như máy trợ thở, bộ xét nghiệm, quần áo bảo hộ…

Đồng thời, ông Lowcock hoan nghênh “thỏa thuận thế kỷ” của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) về kế hoạch chi 50 tỉ USD hỗ trợ tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số toàn cầu ngay trong năm 2021 và lên tới 60% dân số vào nửa đầu năm 2022.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 11-6 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới khẩn trương hơn trong việc giúp đỡ chương trình tiêm chủng tại các nước đang phát triển. Ông Guterres lưu ý rằng nếu các nước đang phát triển không nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân, mầm bệnh sẽ tiếp tục đột biến và ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine.

Ông Lowcock giữ chức Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo từ tháng 9-2017. Hồi tháng 2, ông Lowcock đã thông báo kế hoạch từ chức và sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 18-6.

Tổng Thư ký Guterres hồi tháng 5 đã bổ nhiệm ông Martin Griffiths, hiện là Đặc phái viên LHQ về Yemen, vào vị trí mà ông Lowcock để lại.

Đại dịch COVID-19 đã hoành hành trong hơn 1 năm rưỡi qua, khiến hơn 177 triệu người nhiễm bệnh, bao gồm gần 3,83 triệu người tử vong, theo chuyên trang thống kế worldometers.info.

Nhiều loại vaccine đã được nghiên cứu và sử dụng tại nhiều nước nhưng các nước nghèo gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận loại hàng hóa này. Theo tờ The New York Times, hơn 2,39 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 như chủ yếu tập trung ở các nước giàu. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm