Khu ổ chuột lớn nhất châu Á ra sao trong mùa dịch COVID-19?

Người dân sống tại khu ổ chuột Dharavi đang phải sống lay lắt từng ngày dựa vào những bữa cơm cứu trợ, khi chính phủ Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25-3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, hãng Reuters đưa tin.

Dharavi nằm ở thành phố Mumbai, thuộc bang Maharashtra, được xem là khu ổ chuột lớn nhất châu Á, với khoảng một triệu người sinh sống tạm bợ trong những căn nhà lụp xụp, kiếm từng bữa ăn qua ngày.

Với mật độ dân số ước khoảng 277.136 người/km², khu ổ chuột Dharavi là một trong những khu vực tập trung đông dân nhất thế giới.

“Tôi từng đi làm để kiếm tiền mua đồ ăn cho các con nhưng giờ đây đáng buồn là không có việc gì để làm” - bà Najma Mohammad kể về việc cửa hàng may nơi bà từng làm đã phải đóng cửa do dịch COVID-19.

Hiện ba đứa con của bà Najma phải qua ăn nhờ nhà hàng xóm vì bà không còn tiền để mua thức ăn cho chúng.

Dharavi là khu ổ chuột lớn nhất châu Á, nơi mọi người phải sống thiếu thốn dưới điều kiện vệ sinh kinh khủng. Ảnh: INDIA TODAY

Chính phủ đang lo ngại khu ổ chuột Dharavi có thể trở thành một ổ dịch COVID-19 mới của Ấn Độ do mật độ dân số ở đây quá cao kèm với việc người dân thực hành vệ sinh kém.

Tại Dharavi, hàng trăm người đôi khi cùng dùng chung một phòng tắm. Người dân thường xuyên không có nước sạch để dùng và xà phòng là thứ xa xỉ.

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có chín người trong căn phòng này, tất cả chúng tôi đều có thể gặp nguy hiểm” - anh Namchand Mandal, một người lao động nhập cư đến từ bang Jharkhand, cho biết.

Tính đến nay, khu ổ chuột Dharavi mới chỉ có 138 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng các chuyên gia lo ngại rằng con số sẽ tăng lên nhanh chóng.

Người dân ở đây cũng rất lo lắng rằng họ sẽ bị nhiễm bệnh. Một số người đã dùng khăn tay và ống tay áo để làm vật che mặt vì họ không có tiền mua khẩu trang. Một số người dùng xe đạp, xe đẩy, gậy gộc chắn lại các lối đi để không cho người lạ vào khu vực nhà mình nhằm hạn chế lây bệnh COVID-19. 

Một người dân ở khu Dharavi dùng xe đạp và gậy gộc để chắn đường, ngăn người lạ vào khu vực nhà mình nhằm hạn chế lây lan COVID-19. Ảnh: REUTERS

Một số khác nói rằng họ không thể tuân thủ quy tắc bắt buộc ở nhà. Họ lý giải rằng hàng chục người đang phải sống chung trong một căn phòng chật chội và đôi lúc họ phải ra ngoài vì không chịu nổi.

Một thợ may kể rằng ông phải lén mở cửa hiệu vào sáng sớm để kiếm một ít tiền, rồi sau đó đóng cửa vào thời điểm cảnh sát đi tuần tra.

Theo Reuters, nếu bắt gặp bất cứ người nào không thực hiện đúng lệnh phong tỏa, cảnh sát sẽ phạt họ bằng nhiều hình thức như đánh đòn bằng gậy, bắt ngồi giữa nắng hoặc “thụt xì dầu”.

“Điều này thật khó khăn! Không ai chịu nghe lời chúng tôi” - một cảnh sát ở Dharavi cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm