Khống chế COVID-19: Thế giới chưa yên, ông Tập mất ngủ

Hiện nay đã có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch, trong đó các nước phương Tây lớn như châu Âu, Mỹ đang bị tàn phá nặng nề. Đáng nói, đây đều là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của TQ. Điều này phần nào lý giải hàng chục ngàn doanh nghiệp xuất khẩu của TQ phải đóng cửa, thậm chí sẽ phá sản thời gian tới.

Từ cuộc chiến thương mại với Mỹ đến đại dịch lần này, có thể thấy nền kinh tế TQ dễ bị tổn thương khi các thị trường xuất khẩu quay lưng lại với họ. Đây là mặt trái của nền kinh tế thị trường mà không riêng gì TQ, ngay cả phương Tây cũng nan giải. Việc TQ cố gắng mở rộng thị trường sang châu Phi hay nhiều quốc gia ở Trung Đông (châu Á) không thể giúp nước này thoát khỏi sự ràng buộc rất to lớn với Mỹ và châu Âu.

Cho đến khi TQ tuyên bố chiến thắng đại dịch vào tháng 3, phần còn lại của thế giới mới bắt đầu bước vào một cuộc chiến thật sự. Đến nay, Mỹ lẫn châu Âu vẫn chưa bước tới đỉnh dịch và dẫu có qua giai đoạn căng thẳng nhất thì vẫn chưa có cơ sở để khẳng định COVID-19 sẽ không quay trở lại sau đó. Ngay cả tại TQ, giới quan sát lo ngại làn sóng thứ hai, thứ ba hoàn toàn có thể bùng phát nếu Bắc Kinh để lọt một sai lầm dù là nhỏ nhất.

Như vậy, thế giới sẽ còn chưa hoạt động trở lại, giống như biểu tượng Trái đất đóng cửa đăng trên trang bìa của tạp chí Nhà Kinh Tế Học (The Economist) số ra ngày
21-3. Nền kinh tế TQ vì thế sẽ còn u ám.

Trong thế giới phẳng, những thảm họa như đại dịch sẽ đi theo từng bước chân của các công dân toàn cầu, của những container hàng hóa từ các doanh nghiệp xuyên quốc gia… theo đúng nghĩa đen của nó.

Vì vậy, việc dập dịch cục bộ - tức chỉ một vài quốc gia nỗ lực - chỉ mang tính tức thời. Dập đại dịch COVID-19 cần một sự thống nhất trên toàn thế giới, trong đó những liên minh do nước lớn như Mỹ, TQ, EU lập ra sẽ mang tính nòng cốt. Nó huy động được nguồn lực, hành động một cách đồng bộ. Vì lẽ đó, TQ phải tăng cường hơn tính chính nghĩa trong hành động, cùng dàn xếp mâu thuẫn với Mỹ và các nước khác để tập trung chống dịch phạm vi toàn cầu.

Tiếc thay, uy tín của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình thời gian qua bị suy giảm mạnh không chỉ vì các chính sách kinh tế nội địa hay thương mại quốc tế đầy tranh cãi mà vì các động thái bị dư luận quốc tế chỉ trích là “lợi dụng thời cơ” thực thi hành động phi pháp, như ở biển Đông.

Vậy nên việc TQ cần tăng cường vai trò và hành động chính danh phù hợp các nguyên tắc chung của thế giới, không chỉ ở các điểm nóng về dịch bệnh và còn ở vấn đề tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác, sẽ mang đến giá trị to lớn: Thế giới tập trung chống dịch hiệu quả, ông Tập an tâm “ngủ ngon” thời kỳ “hậu COVID-19”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm