Khi nào NASA bán vé cho khách du lịch lên không gian?

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (Nasa) sẽ cho phép khách du lịch sống bên trong Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Cơ quan trên cho biết họ đang có kế hoạch mở phòng thí nghiệm nổi cho các phi hành gia tư nhân cũng như các công ty thương mại. Điều đó có thể bao gồm cả các đoàn làm phim. Du khách sẽ phải trả phí tầm khoảng 35.000 USD cho mỗi đêm sống ngoài không gian.

Trạm vũ trụ ISS. Ảnh: NASA


"Những khách du lịch vũ trụ đầu tiên có thể đến ISS vào năm 2020", đại diện của NASA cho biết.

Khách du lịch - người mà NASA gọi là "phi hành gia tư nhân" - có thể sẽ được ở lại ISS đến 30 ngày, để thực hiện các hoạt động thương mại, tiếp thị, nhưng tất nhiên sẽ bị giới hạn bởi các quy tắc của NASA. Đồng thời, các phi hành gia tư nhân vẫn sẽ phải vượt qua các tiêu chuẩn y tế của NASA và các quy trình đào tạo để đảm bảo họ an toàn trên tàu ISS.

Kế hoạch cũng cho phép các công ty tư nhân thuê một phần ISS để làm công việc của họ. Họ có thể tự thuê phi hành gia riêng hoặc đưa thêm cả công nghệ của họ đến phòng thí nghiệm nổi, nhưng chắc chắn chi phí cũng sẽ rất cao.

Ý tưởng này cũng tương tự như cách Nga đã từng cho phép các du khách cá nhân thám hiểm vũ trụ trước đây với chi phí nhiều triệu USD mỗi người.

Vào năm 2001, doanh nhân người Mỹ Dennis Tito trở thành du khách không gian đầu tiên khi chịu trả cho Nga khoảng tiền 20 triệu USD để lên tàu Soyuz của Nga đến ISS.

Chương trình của Nga vẫn đang tiếp tục đưa khách lên tham quan ISS. Thậm chí, ý tưởng xây dựng một khách sạn hạng sang trên ISS đã được vạch ra. Khách mua tour của Nga sẽ trả 20 triệu USD cho kỳ nghỉ hai tuần trên khách sạn này.

Trở thành người chinh phục vũ trụ có vẻ sẽ không còn là giấc mơ đối với nhiều người. Ảnh: NASA

NASA từ lâu đã chống lại ý tưởng thương mại hóa các hoạt động của mình, bao gồm cả việc đưa người lạ lên ISS. Trước đây, bất cứ ai, hoặc thứ gì đó muốn được đưa lên ISS đều cần qua một khâu kiểm tra, nghiên cứu nghiêm ngặt.

Nhưng giờ đây, NASA có vẻ đã cởi mở hơn với ý tưởng mới này. Họ cho rằng dịch vụ sẽ làm NASA thân thiện hơn trong mắt công chúng và thu hẹp khoảng cách về cuộc đua du lịch không gian với các hãng tư nhân.

"Tôi muốn thấy một ngày nào đó, các phi hành gia của NASA sẽ xuất hiện trên vỏ hộp ngũ cốc, đến gần hơn với văn hóa đại chúng của Mỹ", ông Jim Bridenstine, quản trị viên NASA, nói trong một bài thuyết trình hồi tháng 8 năm ngoái. Theo ý tưởng của ông, dịch vụ du lịch không gian chính là một cách để cơ quan này hiện diện nhiều hơn trong đời sống và hoạt động của người dân.

Thêm vào đó, NASA phê duyệt ý tưởng thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ này với hi vọng rằng ngành công nghiệp tư nhân sẽ góp phần phát triển ngành công nghệ vũ trụ trong tương lai, và hỗ trợ cho kế hoạch trở lại mặt trăng vào năm 2024, cũng như cung cấp kinh phí cho việc thăm dò không gian nhiều hơn trong những năm tới.

NASA vẫn sẽ tiếp tục sử dụng ISS làm nơi nghiên cứu và thử nghiệm trên quỹ đạo Trái Đất tầng thấp. Đồng thời sẽ giành ra một khu vực để thử nghiệm các công nghệ, đào tạo phi hành gia và khuyến khích sự phát triển của "nền kinh tế vũ trụ".

Quyết định mở trạm vũ trụ của NASA được đưa ra khi một loạt các công ty bắt đầu cung cấp khả năng du lịch không gian trong tương lai. Chẳng hạn như Virgin Galaxy, Blue Origin và SpaceX lần lượt tung ra các tour du lịch không gian.

Hãng SpaceX của ông Elon Musk trước đó cho biết sẽ gửi một tỷ phú Nhật Bản và tám nghệ sĩ lên Mặt Trăng trong một nhiệm vụ riêng dự kiến diễn ra vào năm 2023.

NASA trả 18.500 USD để... nằm giường xem phim 2 tháng
NASA trả 18.500 USD để... nằm giường xem phim 2 tháng
(PLO)- NASA đồng ý trả cho tình nguyện viên 18.500 USD (gần 430 triệu đồng) khi tham gia nghiên cứu về tác động của trọng lực nhân tạo lên cơ thể con người. Nhiệm vụ của họ là ăn, uống, xem phim và ngủ nghỉ tại chỗ trong vòng 2 tháng liên tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm